• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

“Thế giới tươi sáng, hãy cứu lấy thị giác của bạn”

“Thế giới tươi sáng, hãy cứu lấy thị giác của bạn” là chủ đề của tuần lễ Glôcôm Thế giới năm 2022 (diễn ra từ ngày 07 đến 13/3/2022), nhằm động viên toàn xã hội tham gia vào các hoạt động chăm sóc mắt và phòng, chống mù lòa. Hưởng ứng tuần lễ Glôcôm Thế giới, bệnh viện Mắt Hà Tĩnh tổ chức khám sàng lọc Glôcôm miễn phí cho tất cả người dân trên địa bàn Hà Tĩnh, nhằm phát hiện sớm các bệnh về mắt cho người dân, đem lại ánh sáng cho người bệnh.

Tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, mỗi năm có khoảng trên 1.000 bệnh nhân bị Glôcôm đến khám và điều trị. Trong số đó, có rất nhiều bệnh nhân tự ý điều trị và đến bệnh viện khi bệnh đã trở nên quá nặng. Gây khó khăn cho công tác điều trị và khả năng hồi phục của người bệnh không cao.

Do chủ quan không thăm khám định kỳ đã dẫn đến mắt của bệnh nhân Trần Xuân Mão khó lấy lại thị lực như ban đầu

 

Bệnh nhân Trần Xuân Mão, 59 tuổi, trú tại xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh bị bệnh Glôcôm thứ phát do đục thủy tinh. Tuy nhiên, vì chủ quan khi bệnh không có triệu chứng rõ ràng, trong một thời gian dài ông không định kỳ khám tầm soát bệnh mắt của mình. Khi đến khám tại bệnh viện Mắt Hà Tĩnh thì mắt bệnh nhân đã khó lấy lại thị lực ban đầu. Bệnh nhân Mão cho biết: “Mắt trái của tôi bị nhìn mờ từ lâu nhưng do không thấy biểu hiện đau nhức mắt nên chủ quan không đi khám mắt định kỳ như lời bác sĩ dặn sau khi mổ đục thủy tinh thể. Chỉ đến khi thị lực giảm sút trầm trọng mới đi khám thì đã quá muộn, thị lực tôi chỉ còn 1/10”.

Không giống triệu chứng âm thầm như bệnh nhân Mão, bệnh nhân Bùi Văn Phức, 62 tuổi, trú tại xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc bị triệu chứng cơn cấp của Glôcôm nên nhập viện điều trị trong tình trạng đau nhức hai mắt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Bệnh nhân Phức cho biết: “Tôi rất lo lắng nên đã đi khám ngay khi bị đau nhức mắt dữ dội. Bác sĩ cho biết may mắn tôi đã đi khám sớm để được can thiệp điều trị kịp thời nếu không nguy cơ bị mù sẽ rất cao. Hiện nay, mắt của tôi đang ổn định dần, kết quả đó khiến tôi thấy vui và yên tâm rất nhiều”.

Cán bộ y tế Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh kiểm tra mắt cho bệnh nhân

 

Glôcôm được xếp vào loại bệnh lý gây mù lòa không chữa được. Có tới 6,5% dân số ở Việt Nam bị mù do bệnh Glôcôm. Tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, trong năm 2021 đã có gần 1.300 bệnh nhân đến khám Glôcôm, trong đó có 550 ca phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một tỉ lệ rất lớn người mắc Glôcôm trong cộng đồng chưa được phát hiện ra bệnh. Theo BsCK1 Lê Văn Tịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh: có rất nhiều bệnh nhân tình cờ được phát hiện tăng nhãn áp Glôcôm khi đến bệnh viện thăm khám mắt hoặc những lần đơn vị triển khai các đợt khám tầm soát tại cộng đồng. Đáng chú ý là có nhiều bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực thấp, nguy cơ mù lòa cao. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và phác đồ điều trị nên kết quả điều trị không cao. Đây là một trong những thực trạng khiến công tác phòng chống mù lòa do bệnh lý Glôcôm trên địa bàn tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Bệnh Glôcôm thường có những biểu hiện dễ nhận thấy như: mắt đau đột ngột, đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên; bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng; thường buồn nôn hoặc nôn; mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ... Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Đôi khi người bệnh thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rỉ mắt, mi mắt sưng nề, giác mạc phù nề mờ đục... Khi có những triệu chứng trên người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời.

“Người bệnh Glôcôm cần phải được chăm sóc theo dõi  thường  xuyên, theo một quy trình chặt chẽ từ khi được phát hiện bệnh, được điều trị cho đến hết quãng đời còn lại nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể bị Glôcôm. Trong đó có một số nhóm nguy cơ bệnh cao hơn, cần thăm khám định kỳ về mắt: người trên 40 tuổi, người có bệnh tiểu đường hay cao huyết áp, người có tiền căn gia đình đã mắc bệnh Glôcôm, người bị viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ, người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc tra mắt trong thời gian dài, cận thị nặng, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt”, Bs CKI. Lê văn Tịnh chia sẻ thêm.

             Đoàn Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.868
Tháng 05 : 66.737
Năm 2024 : 786.036
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.584.550