• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết, kịp thời cứu sống bệnh nhân

Bệnh viện Đa khoa Thành phố vừa triển khai thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết cho bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não cấp. Đây là kỹ thuật mới đầu tiên được triển khai thành công tại bệnh viện đa khoa Thành phố.

Trước đó, bệnh nhân N.B.H, 59 tuổi, xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, vào bệnh viện Thành phố trong tình trạng lơ mơ, không nói được, liệt hoàn toàn tay chân bên phải. Theo như lời kể của người nhà, bệnh nhân N.B.H bị xuất hiện cơn đau đột ngột và bị ngã.

Bệnh nhân N.B.H vào viện trong tình trạng lơ mơ, không nói được, liệt hoàn toàn tay chân bên phải.

 

Trước tình trạng đó, các bác sĩ của bệnh viện đã kịp thời thăm khám, cho làm các cận lâm sàng và tiến hành hội chẩn nhanh. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân N.B.H bị đột quỵ do nhồi máu não cấp, đang trong khung giờ vàng, giờ thứ 2, nên đã quyết định áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết.

Sau khi được dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân N.B.H đã nhanh chóng hồi phục, không để lại di chứng. Sau một tuần điều trị, sáng 19/7 bệnh nhân được hồi phục và ra viện.

Bà B.T.P, người nhà của bệnh nhân cho biết: “Khi phát hiện chồng lên cơn đau và bị ngã sau đó lơ mơ, bất tỉnh, tôi đã nhanh chóng đưa chồng đến bệnh viện. Sau khi được các bác sỹ thăm khám và tận tình điều trị, chăm sóc, chứng kiến chồng phục hồi tốt, tỉnh táo trở lại, nói rõ, ăn uống bình thường, có thể tự đi lại được. Tôi và gia đình rất bất ngờ và hạnh phúc. Gia đình tôi xin gửi lời cảm ơn đến đội ngũ thầy thuốc khoa HSCC đã cấp cứu kịp thời, và chăm sóc tốt cho chồng tôi”.

Theo bác sỹ CKI Nguyễn Viết Cường, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện ĐK Thành phố. Tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ não đến tại Khoa hồi sức cấp cứu ngày một tăng, mỗi năm tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân vào viện đã qua “giờ vàng” là dưới 4,5h tính từ lúc khởi phát triệu chứng. Những bệnh nhân vào viện qua giờ vàng thì sẽ điều trị nội khoa, không điều trị được tiêu sợi huyết, nên mặc dù bệnh nhân được cứu sống nhưng thường để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Sau khi được điều trị tiêu sợi huyết, bệnh nhân đã nhanh chóng phục hồi. (Trong ảnh: Bác sỹ kiểm tra bệnh nhân thực hiện vận động tay, chân)

 

Do đó, để bệnh nhân được cứu sống, phục hồi sức khỏe và không để lại di chứng, bác sỹ CKI Nguyễn Viết Cường khuyến cáo, khi người bệnh có các dấu hiệu sau: Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng. Yếu liệt tay chân, đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao, bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó. Ngôn ngữ bất thường, nói khó.

Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất. Gia đình tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà bởi điều đó đã vô tình kéo dài thời gian và đánh mất cơ hội hồi phục của chính người bệnh.

Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.444
Tháng 05 : 18.847
Năm 2024 : 738.146
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.536.660