• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hai lần từ chối ở lại Đức, chọn về Việt Nam để 'làm điều gì đó cho người bệnh'

Được giải thưởng Humboldt của Đức, được trao học hàm GS và mời làm giảng viên chính thức ĐH Tổng hợp Munich, Đức nhưng GS-TS Nguyễn Thế Hoàng, phó giám đốc Bệnh viện 108 - lại chọn trở về Việt Nam, như ông nói, để làm điều gì đó cho người bệnh.

Được giải thưởng Humboldt của Đức, được trao học hàm GS và mời làm giảng viên chính thức ĐH Tổng hợp Munich, Đức nhưng GS-TS Nguyễn Thế Hoàng, phó giám đốc Bệnh viện 108 - lại chọn trở về Việt Nam, như ông nói, để làm điều gì đó cho người bệnh.

Đôi chân thẳng sau phẫu thuật nắn chỉnh và kéo dài chân của bệnh nhân Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tết Kỷ Hợi này là tết thứ 18 anh Trần Đức Lâm ở Hải Phòng đón năm mới trên một đôi chân thẳng. Phải thật tinh và nhìn kỹ mới thấy hai chân anh có chút không bằng nhau.

Gia đình anh Lâm thì khỏi phải nói, 18 năm qua họ vô cùng hạnh phúc vì con trai đi lại được bình thường rồi cưới vợ, sinh con. Trong khi từ tuổi 17 trở về trước, do một tai nạn làm nát vùng cổ chân, Lâm đi lại phải dựa vào đôi nạng gỗ, có nguy cơ phải cắt cụt chi, thành tật nguyền vĩnh viễn.

Người đi cứu những bàn chân tật nguyền

Sau khi bị tai nạn giao thông năm 7 tuổi (1991), Lâm phải trải qua nhiều ca mổ đi mổ lại liên tục, khiến đôi chân thành bất thường, những tưởng cuộc đời sẽ gắn liền với nạng và xe lăn. Trước khi Lâm đến Bệnh viện 108, gia đình đã đưa anh đi 4 bệnh viện, nhiều đoàn nước ngoài cũng đã khám và đều thống nhất cao là phải cắt cụt chi.

Lâm kể lại: 17 tuổi, 10 năm triền miên đi bệnh viện, đi mổ, trong Lâm chưa bao giờ hết hy vọng về ngày được đi lại bình thường. Nhưng những câu trả lời "rất khó", những ánh mắt từ chối của các bác sĩ khiến anh thấy ám ảnh.

Nhưng rồi ca mổ năm 2001 đã mở ra một cuộc đời, một tương lai cho anh. Người phẫu thuật cho Lâm 18 năm về trước là GS-TSKH Nguyễn Thế Hoàng, bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Bác sĩ Nguyễn Thế Hoàng - Ảnh: VIỆT DŨNG

"Khi gặp những bệnh nhân như Lâm, dù biết là khó nhưng tôi luôn băn khoăn làm sao phải cứu được đôi chân cho chàng trai trẻ. Đây là ca bệnh 'gợi ý' chúng tôi phát triển một đề tài, một cách chữa trị mới là tân tạo tuần hoàn, tức tân tạo các mạch máu mới.

Trong quá trình phẫu thuật cho Lâm, không ai tin được là phẫu thuật sẽ thành công. Nhưng chúng tôi đã tiên lượng và điều trị đúng, giờ hai chân cậu ấy chỉ hơi lệch rất ít, đi lại hoàn toàn bình thường", bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Còn Lâm thì reo lên trong niềm hạnh phúc: "Giờ thì tôi đi lại ngon lành rồi!"

Có một gia đình khác ở Nam Định có con trai vừa trải qua ca mổ khó năm 2018 và giờ đang trong những ngày chờ đợi. Cậu con trai giỏi giang của họ phải chịu đựng đôi chân biến dạng 28 năm nay, chỉ có cách di chuyển nhờ đôi tay.

Chàng trai ấy là Nguyễn Mạnh Hùng, 28 tuổi, có đôi chân cong queo dị dạng như rễ cây, với hai bàn chân bao gồm cả vùng cẳng chân cong gập hình chữ L hướng ra ngoài, hai đầu gối biến dạng, hai đùi bên to bên nhỏ...

28 năm phải dùng tay làm "bánh lái", Hùng đã học hết THPT rồi tốt nghiệp loại giỏi ở trường nghề, trở thành một thợ sửa chữa đồ điện lành nghề.

Gia đình cũng đã đưa anh đi khắp nơi, nhận được vô số cái lắc đầu. Cho đến một ngày của năm 2018, trên đường được bố chở từ nơi làm việc về nhà, bố con Hùng bị tai nạn và đôi chân rễ cây của anh bị gẫy hở xương chày, xương đùi.

Đôi chân cong queo như rễ cây của Nguyễn Mạnh Hùng trước khi phẫu thuật - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Các bác sĩ hội chẩn và cân nhắc phương pháp cắt cụt chi. Chuyển hồ sơ lên chỗ tôi, tôi giật mình vì chưa từng nhìn thấy một đôi chân nào biến dạng đến như thế. Nhưng máu nghề nghiệp khiến tôi mong muốn xem có làm gì được cho bệnh nhân không, dù cơ hội nhỏ nhoi", bác sĩ Nguyễn Thế Hoàng kể lại.

"Nhiều người e ngại, ngay cả gia đình bệnh nhân cũng e ngại, chúng tôi thuyết phục hay thử phẫu thuật trước một chân xem có ổn không".

Là bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm về chấn thương chỉnh hình, bác sĩ Hoàng và đồng nghiệp đã tính rất kỹ, lên kế hoạch để chuyển gân, cân bằng tốt để sau này bệnh nhân tập đi lại.

Sau 5 giờ sau mổ, Hùng được về lại khoa, gia đình mừng rỡ vì không ngờ đôi chân rễ cây đã chỉnh được một chân thành thẳng.

Theo dõi thêm một tuần, nếu chỉnh thêm chân còn lại thì hai chân sẽ lệch nhau 20 cm. Các bác sĩ lại tính đến phương án kéo dài một chân. Giờ thì chân còn lại của Hùng đã qua hai thì kéo dài, và đây là ca kéo dài chân kỷ lục với 21cm có thêm.

Bác sĩ Hoàng cho biết nhóm các anh đã thực hiện những kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay để kéo dài chân cho bệnh nhân, kết hợp với những ưu điểm của bệnh nhân như trẻ, can xương và khả năng liền xương tốt.

Hiện hai chân của Hùng có thể gấp duỗi các khớp, cân bằng các khối cơ... Thách thức lớn nhất là từ nhỏ đến giờ anh chưa hề tập đi nên cần phải tập đi lại từ đầu. Bác sĩ Hoàng và các đồng nghiệp hy vọng 6 tháng nữa, Hùng có thể đi lại được như người bình thường.

Bác sĩ Hoàng trong phòng mổ của Bệnh viện 108 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Hai lần từ chối ở lại Đức

Cơ duyên để bác sĩ Hoàng đến với ngành chấn thương chỉnh hình là những ngày đầu tiên anh làm bác sĩ, cứu các thương binh bị vết thương cắt cụt chi nhưng anh chưa biết làm thế nào để cứu chữa.

Năm 1989, bác sĩ trẻ Nguyễn Thế Hoàng về Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 108 và những người thầy giỏi như GS Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Huy Phan đã chia sẻ với anh ước mơ "cắt cụt chi bệnh nhân thì ai cũng làm được, vấn đề là trả lại cho bệnh nhân cuộc sống".

Và đã có rất nhiều bệnh nhân được "trả lại cuộc sống" như Lâm, như Hùng... Sau mỗi ca bệnh khó, bác sĩ Hoàng lại nghĩ đã có thêm một người được sống cuộc sống bình thường, còn với các bác sĩ như anh, anh coi đó là một đóng góp cho cuộc sống.

Bác sĩ Hoàng từng đi học ở Đức, năm 2006 làm TSKH ở Đức, 2008 được phong học hàm giáo sư. Năm 2009, anh được mời ở lại Đức làm việc.

Năm 2013, sau khi được trao giải thưởng Humboldt - giải thưởng danh giá của Đức dành cho các công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có tiềm năng ứng dụng và được cộng đồng quốc tế công nhận với đề tài "tân tạo tuần hoàn", anh lại được mời ở lại Đức làm việc lần thứ hai.

"Tôi mong muốn làm được điều gì đó cho người bệnh Việt Nam, nơi mặt bệnh phức tạp, nhiều người bệnh khó khăn. Rồi một suy nghĩ nữa, bố mẹ mình già rồi, anh em bạn bè đều ở đây", bác sĩ Hoàng chia sẻ về lý do anh đã chọn quê hương sau hai lời mời làm việc ở Đức.

Và chặng đường phía trước của bác sĩ có những ca bệnh khó đang chờ.

Một ngày của bác sĩ như thế nào?

"Hồi chưa lên đây (phó giám đốc Bệnh viện 108), hầu hết thời gian của tôi ở trong phòng mổ. Ngoài thời gian ở phòng mổ, tôi chịu trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn thêm về phẫu thuật ngực, bụng của bệnh viện", bác sĩ Hoàng cho biết.

Theo: Báo Tuổi trẻ


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 132
Tháng 12 : 172.754
Năm 2024 : 2.973.342
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.771.856