Vì hạnh phúc của những người “có H”
Tình cờ gặp lại mẹ con chị Hoàng Thị Tịnh (xã Cẩm Quan – Huyện Cẩm Xuyên – Tỉnh Hà Tĩnh) trong chuyến trao quà của Trung tâm Phòng chống HIV/AID tỉnh cho các cháu bé bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nhân ngày 01/6. Chị vui vẻ cho tôi biết: nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và chính quyền địa phương, con trai chị - cháu Nguyễn Vũ Đăng Hoàng Tâm đã được đi học và hòa nhập cùng các bạn. Nhìn ánh mắt rạng ngời của chị; sự tự tin, niềm hạnh phúc của cháu Tâm khi kể về các bạn, về chuyện trường, chuyện lớp đã nhân lên trong tôi những hy vọng về một tương lai tươi sáng cho cháu bé bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này.

Trong hơn 10 năm làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại một tỉnh nghèo của miền trung, tôi đã gặp rất nhiều cảnh đời bất hạnh của những bệnh nhân HIV/AIDS. Nhưng có lẽ số phận của mẹ con chị Tịnh đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai. Tôi còn nhớ như in ánh mắt tuyệt vọng, giọng nói run rẩy nghẹn ngào của chị Tịnh vào một chiều cuối mùa thu năm 2013 khi nói về cuộc đời bất hạnh và nỗi đau khi bị xa lánh, kì thị của mẹ con chị.
Qua 2 lần dang dở, chồng chết vì căn bệnh thế kỷ, chị Tịnh và con trai cũng bị lây nhiễm căn bệnh này. Niềm hy vọng vào cuộc sống của mẹ con chị càng mong manh hơn khi bị bà con, làng xóm kỳ thị, xa lánh. Đau đớn hơn, khi con trai chị đến tuổi đi học mà không được đến trường cùng các bạn. Bệnh tật cùng với sự tự ty, mặc cảm đã biến cháu Nguyễn Vũ Đăng Hoàng Tâm từ một đứa trẻ hồn nhiên, vui tươi trở nên bi quan, cô lập. Nhìn cháu bé 8 tuổi mà nhỏ thó như đứa nhỏ 5 tuổi, đứng núp sau mẹ. Tôi không khỏi trạnh lòng, xót xa. Tận đáy lòng, tôi thấu hiểu không riêng gì mẹ con chị Tịnh mà tất cả những người không may nhiễm HIV đã và đang phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Sự suy nghĩ cố chấp, khó thay đổi trong lòng người dân về bệnh HIV/AIDS là rào cản khiến những nhóm người dễ bị tổn thương này không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đồng thời cũng cản trở những hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy tôi quyết tâm cùng với lãnh đạo Trung tâm phối hợp với ngành y tế và chính quyền xã Cẩm Quan vận động cho cháu Tâm được đến trường. Thời điểm đầu rất khó khăn, nhà trường không cho cháu đi học vì sợ không ai đến lớp; phụ huynh học sinh gây áp lực với nhà trường vì sợ con mình lây bệnh. Chúng tôi đã cùng đồng hành với chị Tịnh tìm gặp lãnh đạo địa phương, các cán bộ giáo dục ở xã, phụ huynh, bà con trong xóm để vận động, giải thích. Ròng rã nhiều tháng trời, với những nỗ lực của chúng tôi cuối cùng cháu Tâm đã được đến trường. Mặc dù phải học chung với các bạn nhỏ tuổi hơn mình khá nhiều nhưng cháu rất vui khi được đến trường và được học nhiều điều mới mẻ. Cháu rất chăm ngoan, học giỏi và những năm học vừa qua cháu đều nhận được giấy khen học sinh giỏi của nhà trường. Ngoài giờ học, cháu cũng luôn tranh thủ giúp đỡ mẹ làm việc nhà, chăm sóc ông già yếu.

Hiện nay, cháu Tâm đã bước vào lớp 3, vẫn dáng người nhỏ bé, làn da đen nhưng ánh mắt của cháu đầy niềm vui và hạnh phúc. Tôi biết đâu đó vẫn còn những định kiến, những dè dặt đối với cháu, nhưng với nghị lực của 2 mẹ con, sự vào cuộc đồng hành của ngành y tế và chính quyền địa phương cháu Tâm sẽ tiếp tục được đến trường. Là những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS thì đây cũng là một dấu ấn không thể nào quên khi thực hiện công tác chuyên môn, đặc biệt trong tuyên truyền phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Thiết nghĩ vì hạnh phúc của những người bị nhiễm HIV/AIDS, chúng ta cần có sự thông cảm, chia sẻ, yêu thương nhau hơn và mở lòng với những người nhiễm HIV/AIDS để chung tay hỗ trợ, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt, đối xử người nhiễm HIV/AIDS./.
Khoản 1, 2. Điều 15, Luật phòng, chống HIV/AIDS (có hiệu lực từ ngày 01/7/2007) quy định về phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. 1. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức giảng dạy cho học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép với giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản và thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác trong cơ sở đó. 2. Cơ sở giáo dục không được có các hành vi sau đây: a) Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; b) Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; c) Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV; d) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học sinh, sinh viên, học viên hoặc người đến xin học. “Quyền con người đã được chúng ta quy định rõ trong luật. Luật của chúng ta chưa được áp dụng thực tiễn. Câu chuyện của chị Tịnh là điển hình cho sự phân biệt đối xử một cách nặng nề đối với người nhiễm HIV/AIDS. Việc nhận thức trong cộng đồng về căn bệnh HIV/AIDS chưa đúng, chính là căn nguyên dẫn đến hiệntượng trên" |
Thu Hòa - Hồ Nam