Thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam – nâng cao sức khỏe toàn diện cho người dân
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 361/KH-UBND thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một chương trình tổng thể nhằm kết nối các chương trình, dự án, đề án trong những lĩnh vực liên quan để tập trung thực hiện được các mục tiêu ưu tiên về sức khỏe. Đối tượng thụ hưởng là toàn dân, trong đó có nhóm đối tượng được ưu tiên xác định theo từng lĩnh vực cụ thể. Ngành Y tế Hà Tĩnh đã có các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam trên toàn tỉnh. Để biết rõ về nội dung này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Lê Ngọc Châu - TUV - Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh.
PV : Thưa ông! Chương trình sức khỏe Việt Nam là một trong những kế hoạch hết sức bao quát, rộng lớn, nhiều giai đoạn và với nhiều nội dung, lĩnh vực, mục tiêu khác nhau. Vậy, trong năm 2019, Hà Tĩnh sẽ ưu tiên tập trung đi sâu thực hiện vào những lĩnh vực nào và với mục tiêu như thế nào thưa ông?
Ông Lê Ngọc Châu : Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 361/KH-UBND thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình được thực hiện trên quy mô toàn tỉnh từ năm 2018 đến năm 2030; đối tượng thụ hưởng là người dân trong toàn tỉnh, trong đó có nhóm đối tượng được ưu tiên xác định theo từng lĩnh vực cụ thể.
Năm 2019, Hà Tĩnh sẽ ưu tiên, tập trung đi sâu thực hiện vào những lĩnh vực: Thứ nhất, nâng cao sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực.
Thứ 2, bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh; phòng, chống tác hại của thuốc lá, tác hại của rượu, bia; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Thứ 3, chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật, phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người lao động.
Trên cơ sở các lĩnh vực đó, Hà Tĩnh phấn đấu đạt ba mục tiêu: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
PV: Để thực hiện các nội dung đó, ngoài các yêu cầu về cơ sở vật chất, hạ tầng và nguồn lực, thì Hà Tĩnh đã, đang và sẽ chuẩn bị như thế nào về con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ to lớn đó thưa ông?
Ông Lê Ngọc Châu : Trong công tác chăm sóc sức khỏe, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng vì phục vụ trực tiếp cho con người, liên quan mật thiết đến sinh mạng con người. Do vậy, trong thời gian qua, ngành Y tế đã hết sức chú trọng phát triển nguồn nhân lực bác sỹ với các giải pháp được tập trung thực hiện như: dành chỉ tiêu biên chế chỉ để tuyển dụng bác sỹ; chỉ đạo xây dựng cơ chế đãi ngộ để thu hút, “giữ chân” cán bộ có chuyên môn giỏi, xây dựng môi trường làm việc tốt, tạo điều kiện tối đa để bác sỹ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị. Kết quả đã thu hút và đào tạo được nhiều bác sỹ có trình độ chuyên môn cao về làm việc tại các bệnh viện.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Y tế tập trung các giai pháp: xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành y tế nhằm đạt được mục tiêu thu hút, đào tạo và sử dụng CBYT nhất là đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao; tiếp tục tham mưu các chính sách để thu hút các bác sĩ mới ra trường về công tác, tạo điều kiện cho bác sĩ đi học chuyên khoa cấp I, II, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành và có chính sách hỗ trợ đào tạo; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức đào tạo như đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu tại các trường đại học, các bệnh viện tuyến trung ương; đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc, tuyến trên chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ, duy trì thường xuyên công tác chỉ đạo tuyến; thực hiện tốt các chế độ chính sách đãi ngộ, tạo môi trường làm việc tốt cho đội ngũ cán bộ y tế. Bên cạnh đó, Ngành sẽ tập trung thực hiện tổ chức, sắp xếp lại hệ thống y tế đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức tác phong Hồ Chí Minh, xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế với “3 xây, 3 chống, 3 biết”; triển khai có hiệu quả Đề án Bệnh viện vệ tinh; đề án phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu; ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, xây dựng cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp – an toàn hướng tới sự hài lòng của người dân. Đây là yếu tố sống còn, nhân tố làm nên hình ảnh của ngành Y tế Hà Tĩnh.
Chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguyễn Duy (Thực hiện)