• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ngành Y tế Hà Tĩnh – 60 mùa xuân dâng Bác

Với thế núi hình sông, nằm giữa hai đầu đất nước, Hà Tĩnh luôn được coi là mảnh đất giang sơn tụ khí, quê hương của nhiều anh hùng, văn nhân, hiền tài nổi tiếng, trong đó có đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Tự hào, những thế hệ hậu sinh hôm nay của ông tổ nghề y nước Nam đang tiếp nối mạch nguồn, làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, góp phần làm rạng danh quê hương Hải Thượng Lãn Ông.
Với thế núi hình sông, nằm giữa hai đầu đất nước, Hà Tĩnh luôn được coi là mảnh đất giang sơn tụ khí, quê hương của nhiều anh hùng, văn nhân, hiền tài nổi tiếng, trong đó có đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Tự hào, những thế hệ hậu sinh hôm nay của ông tổ nghề y nước Nam đang tiếp nối mạch nguồn, làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, góp phần làm rạng danh quê hương Hải Thượng Lãn Ông.



T hăm , tặng quà Bs. Nguyễn Huy Thành Nguyên Giám đốc Sở Y tế giai đoạn 1991-1997

Trong suốt chiều dài 60 năm lớn lên cùng đất nước, lịch sử ngành Y tế Hà Tĩnh đã trải qua những bước thăng trầm, để lại nhiều dấu ấn khó phải mờ. Còn nhớ, Cuối năm 1946 Bệnh viện tỉnh bắt đầu nhận bệnh nhân vào điều trị. Đầu năm 1947, đáp ứng nhiệm vụ của cuộc kháng chiến, bệnh viện được phân tán về 4 cơ sở tại các vùng, trong đó cơ sở chính đóng ở xã Lam Kiều, huyện Can Lộc. Nay là 3 xã Trường Lộc, Song Lộc, Phú Lộc. Chỉ với quy mô 50 giường bệnh, một bác sỹ và 17 cán bộ nhân viên, nhà thương Lam Kiều đã tiến hành chữa bệnh cho nhân dân và điều trị cho thương bệnh binh.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngành Y tế Hà Tĩnh đã tăng cường công tác đào tạo, mở rộng quy mô các bệnh viện, phát triển mạng lưới để vừa phòng bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân vừa điều trị cho thương bệnh binh, phục vụ kháng chiến, kiến quốc, hàn gắn vết thương chiến tranh dồn sức chi viện cho tiền tuyến.

Đi qua khói lửa của chiến tranh, rồi lại đến sự tái hợp chia tách tỉnh. Năm 1991, ngành Y tế Hà Tĩnh đã bắt tay xây dựng lại từ đầu. Bác sỹ Nguyễn Huy Thành nguyên giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh những năm 1991 – 1997 chia sẻ “ Sau khi chia tách tỉnh, ngành y tế Hà Tĩnh khó khăn lắm, từ bộ máy, con người đến mạng lưới y tế cơ sở, và để phục vụ cho công tác khám và điều trị bệnh chúng tôi phải bắt tay xây dựng lại từ đầu, nhưng cái cốt lõi nhất để có được những thành tích đó chính là sự đoàn kết, đồng lòng của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ lúc bấy giờ ”

Những năm gần đây, ngành Y tế Hà Tĩnh đã có nhiều bước tiến mới trong quản lý điều hành; trong tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ; chất lượng khám và điệu trị ngày càng được nâng cao.


Chăm sóc cho bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực.

Toàn ngành hiện có 5 Bệnh viện tuyến tỉnh; 13 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 11 Trung tâm, Chi cục tuyến tỉnh; 12 Trung tâm Y tế dự phòng, 12 Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện; 262 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Có hơn 3 ngàn giường bệnh. Tổng số cán bộ là 4.851 người, trong đó: 03 tiến sỹ, 30 bác sỹ chuyên khoa II, 45 thạc sỹ, 214 bác sỹ chuyên khoa I và 625 bác sỹ. Có 185/262 trạm Y tế có bác sỹ.

Về cơ sở vật chất, nhiều bệnh viện được xây mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại.  Một số bệnh viện đã tập trung ứng dụng phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Trong công tác khám chữa bệnh, ngành đã tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện xây dựng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và y đức ở các tuyến. Ngoài ra, ngành cũng đẩy mạnh triển khai xây dựng Đề án chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm bệnh viện giai đoạn 2015 - 2018; chỉ đạo BVĐK tỉnh xây dựng Đề án Tim mạch can thiệp - Ghép tạng và tổ chức thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh. Đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu tại các bệnh viện như: Bơm thuốc Surfactant trong điều trị trẻ sơ sinh non tháng; thay máu trẻ sơ sinh; phẫu thuật nội soi trong các lĩnh vực sản, ngoại khoa, chấn thương; thay khớp háng; mổ sọ não; dẫn lưu não thất; đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 1 buồng, 2 buồng tim; thực hiện các kỹ thuật chuyên ngành Ung bướu... Tuyến huyện đã có 6/12 Bệnh viện thực hiện được phẫu thuật nội soi. Một số bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật vượt tuyến như: Bệnh viện Đức Thọ, Thành phố. Đặc biệt, ngành đã mời Bác sỹ Hoàng Anh Dũng – chuyên gia ghép tạng hàng đầu Bỉ và Châu Âu về trực tiếp phẫu thuật và chuyển giao các kỹ thuật mới cho bệnh viện các tuyến.

Trong công tác dự phòng, ngành luôn chú trọng công tác phòng bệnh là chính. Chủ động phối hợp với các ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, giám sát dịch bệnh. Đã khống chế và thanh toán bệnh bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh.... thực hiện hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng. Hiện nay ngành đặc biệt chú trọng các dịch bệnh nguy hiểm, thường gặp: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi.... chủ động ngăn ngừa kịp thời các dịch bệnh mới phát sinh nguy hiểm như: cúm AH5N1, cúm AH7N9, Ebola…Trong năm 2014, ngành đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng Sởi – Rubela an toàn cho 277.130 trẻ từ 1-14 tuổi, đạt gần 97 %.


Đã có 6 Bệnh viện huyệnị thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi.

Công tác DS-KHHGĐ cũng là một lĩnh vực đầy thử thách nhưng đến nay đã được ngành quản lý khá tốt. Năm 2008 khi được sát nhập vào ngành Y tế với nhiều chỉ số, dự báo về công tác dân số đáng báo động, những năm sau đó Hà Tĩnh luôn nằm trong tốp 10 tỉnh thành phố của cả nước có mức sinh cao nhất. Trước khó khăn thách thức này, dưới sự tham mưu của của Sở và Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, công tác này đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền và nhiều quyết sách đã ra đời, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Năm 2014, được đánh giá là năm thành công của ngành trong công tác dân số và bảo đảm ATTP. Sau 3 năm, không đạt các chỉ tiêu về dân số, năm 2014 công tác dân số đã giảm được cả 3 chỉ tiêu: tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ mất cân bằng giới tính, tỷ lệ sinh con thứ 3. Công tác bảo đảm ATVSTP được tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh đã tạo ra chuyển biến mới trong bảo đảm ATTP, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, cũng như các sự kiện về thực phẩm nhiễm khuẩn gây sự chú ý của dư luận. Cùng với đó các bệnh viện chuyên khoa và Trung tâm tuyến tỉnh như: Bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Mắt, Sốt rét – Kí sinh trùng, côn trùng, Da liễu, Truyền thông – Giáo dục sức khỏePhòng chống HIV/AIDS, Chăm sóc sức khỏe sinh sản .... hoạt động có hiệu quả đã góp phần nâng cao vị thế của ngành y tế trong đời sống xã hội.

Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Toàn tỉnh, hiện có hơn 100 trạm y tế được xây dựng 2 tầng khang trang, 189/262 trạm y tế có bác sỹ. Tính đến hết năm 2014 có 171/262 trạm đạt tiêu chí quốc gia y tế, chiếm trên 60%, riêng huyện Vũ Quang có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia y tế.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được ngành triển khai sâu rộng gắn với xây dựng Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, trọng tâm là 19 xã đăng kí hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới năm 2014. Ngành đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ xã Thạch Long ( xã do ngành Y tế nhận đỡ đầu ) hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới năm 2014, sớm hơn kế hoạch đề ra.

Những việc làm, những kết quả đã đạt được càng góp phần tô hồng thêm truyền thống vẻ vang của ngành y tế Hà Tĩnh với Huân chương Lao động hạng nhất năm 1996, hai đơn vị được danh hiệu anh hùng trong thời kỳ mới, nhiều cá nhân, tập thể được Đảng và nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương, cờ thi đua chính phủ, bằng khen của các bộ ngành. 03 cá nhân được phong tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân, 60 cá nhân được phong tặng thầy thuốc ưu tú.  Đó là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, nhà nước và nhân dân dành cho những người chiến sỹ áo trắng trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành.

Giám đốc Lê Ngọc Châu – Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Kế thừa và phát huy truyền thống của ngành, trong thời gian tới ngành Y tế Hà Tĩnh Phấn đấu đạt tỷ lệ 7,4 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2015, 80% xã, phường có bác sỹ; đạt 19,5 giường bệnh/10.000 dân; đến năm 2020 có trên 65% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế;tỉ lệ tăng dân số tự nhiên là 9,32%, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi dưới 14%, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 70% . Hoàn thiện các đề án mang tính đột phá như: Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính góp phần cải thiện chỉ số hấp dẫn của ngành. Đề án tim mạch can thiệp và ghép tạng. Đề án chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm các bệnh viện công lập...Cùng với đó tiếp tục rà soát kiện toàn nâng cao năng lực tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y học dự phòng và chất lượng bộ tiêu chí bệnh viên. Người bệnh sẽ được quyền chọn lựa các cơ sở y tế với các thế mạnh chuyên môn phù hợp để khám chữa bệnh.

Dẫu còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn còn ở phía trước song với tinh thần: Đoàn kết - Kỷ cương – Lương tâm - Trách nhiệm, toàn ngành Y tế tiếp tục đoàn kết, thực hiện lời bác dạy: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào“. Vì vậy “ Lương y phải như từ mẫu ”.

Mai Hoa

Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 762
Tháng 05 : 155.847
Năm 2025 : 915.526
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 12.742.810