• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam

"Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam" là chủ đề của tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, nhằm kêu gọi cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào chiến lược phòng chống HIV/AIDS.

"Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam" là chủ đề của tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, nhằm kêu gọi cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào chiến lược phòng chống HIV/AIDS.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nhiễm HIV

Theo báo cáo của Cục phòng chống HIV/AIDS, trên thế giới cứ mỗi ngày đi qua, có 7.000 người nhiễm HIV mới, còn tại Hà Tĩnh tính từ đầu năm đến 14/11/2016 có thêm 53 người nhiễm HIV mới. Lũy tích đến nay Hà Tĩnh có 1.596 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó 615 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 335 trường hợp tử vong do AIDS. HIV/AIDS không chỉ tập trung ở Thành Phố hay khu vực đông dân cư như trước đây mà HIV/AIDS đã âm thầm lặng lẽ len lỏi đến tận các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, với 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 188/262 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Đại dịch HIV/AIDS là mối hiểm họa đối với nhân loại, đe dọa sức khỏe, tính mạng con người và tương lai nòi giống dân tộc, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia.

Bác sĩ Phùng Bình Văn, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết: hiện nay tại Hà Tĩnh đối tượng nhiễm HIV tập trung chủ yếu vào nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm, chiếm trên 70%, tập trung ở nhóm tuổi lao động từ 20 - 39 và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân là do tình hình buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy đang diễn ra phức tạp và khó kiểm soát, một số bộ phận người dân đang còn kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, đó chính là các rào cản trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu 90-90-90 thì hoạt động phòng chống HIV/AIDS cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; ưu tiên phát triển công tác truyền thông, mở rộng tư vấn, xét nghiệm trong cộng đồng để phát hiện sớm người nhiễm HIV; mở rộng mạng lưới y tế để người dân được tiếp cận với thuốc ARV; giảm sự kỳ thị và phân biệt đối sử với người nhiễm HIV.

Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cấp phát thuốc ARV cho người nhiễm HIV​

Mặc dù trên trận chiến phòng chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã có nhiều hoạt động đem lại hiệu quả đó là thực hiện chương trình điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS. Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có 2 phòng khám, điều trị ARV tại Trung tâm Y tế dự phòng Hương Sơn và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Tĩnh, đang điều trị ARV cho 255 bệnh nhân, hầu hết bệnh nhân điều trị ARV đều cải thiện sức khỏe, kéo dài sự sống. Đồng thời, để trẻ sinh ra không bị nhiễm HIV từ mẹ, Trung tâm làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, điều trị ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Từ năm 2009 đến nay có 22 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV được Trung tâm hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong đó có 5 bà mẹ nhiễm HIV mang thai lần hai. Tất cả các cháu đều được sinh ra khỏe mạnh, an toàn không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Bên cạnh đó, Trung tâm đã triển khai chương trình điều trị Methadone cho người nghiện ma túy, đến nay đã thành lập 3 cơ sở điều trị Methadone và 3 cơ sở cấp phát thuốc với tổng số 283 bệnh nhân tham gia điều trị, qua quá trình điều trị có trên 95% bệnh nhân ngừng sử dụng ma túy; sức khỏe được cải thiện, không có bệnh nhân nào nhiễm mới HIV, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được ổn định.

Hầu hết các bệnh nhân khi được hỏi đều rất hài lòng với hiệu quả điều trị ARV và Methadone. Anh Lê Đăng B, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà chia sẽ: "tình cờ trong một lần đi khám thì phát hiện bị HIV, từ đó vợ cũng đi kiểm tra và phát hiện bị nhiễm HIV, lúc đó vợ cũng mới có thai, tinh thần của hai vợ chồng bị suy sụp, sức khỏe ngày càng giảm sút. Trước tình thế đó, được sự giúp đỡ của các cán bộ y tế Trạm và Trung tâm, chúng tôi quyết định tham gia điều trị ARV, sau khi tham gia điều trị được hai tháng, sức khỏe của cả hai vợ chồng trở lại bình thường. Ban đầu bị mọi người kỳ thị, xa lánh, nhưng sau khi thấy sức khỏe của vợ chồng ổn định, vợ sinh con ra không bị nhiễm HIV từ mẹ nên mọi người cũng đã thông cảm và sống hòa đồng. Chúng tôi đã không còn mặc cảm, cố gắng làm ăn, buôn bán, sống có ích cho gia đình và xã hội".

Còn Anh Trần Văn Th, Phường Nam Hồng, Thị xã Hồng Lĩnh thì thổ lộ:"tôi nghiện chích ma túy hơn 3 năm, sau khi dùng chung bơm kim tiêm tôi đã bị nhiễm HIV. Thời gian đó tôi như thằng điên, bị nàng tiên nâu hút hồn, để có được hêrôin tôi làm nhiều việc xấu xa. Được mọi người khuyên nhủ, tôi quyết định đi uống thử Methadone. Lúc mới điều trị tôi chưa bỏ được hêrôin, nhưng được một thời gian đã không còn thèm hêrôin nữa. Cùng với đó tôi điều trị ARV, được một thời gian,  sức khỏe đã ổn định, tôi cùng vợ đi bán rau ở chợ, quyết tâm thay đổi, làm lại từ đầu".

Mặc dù, thời gian qua, ngành Y tế đã nổ lực làm tốt công tác phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ, chưa có thuốc chữa, đang là một thách thức lớn cho ngành Y tế, vì thế, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân, với mong muốn sẽ kết thúc HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030./.

Thanh Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 727
Tháng 05 : 142.807
Năm 2025 : 902.486
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 12.729.770