Hội nghị nâng cao năng lực dự phòng, quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại Trạm y tế
Sáng ngày 28/11/2018, tại thành phố Hà Tĩnh, Cục Y tế dự phòng, Tổ chức Y tế thế giới phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực dự phòng, quản lý tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ) tại Trạm Y tế.
Dự và chủ trì Hội nghị có Tiến sỹ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Tiến sỹ Lại Đức Trường đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Thạc sỹ Lê Ngọc Châu - TUV - Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện các huyện Hương Sơn, Hồng Lĩnh, Can Lộc, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh và 3 Trạm Y tế điểm: Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), Thạch Tân (Thạch Hà), Thạch Quý (TP Hà Tĩnh).
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện Tổ chức Y tế thế giới trình bày về mô hình cung cấp dịch vụ phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCD) tại cộng đồng dựa trên cách tiếp cận y tế công cộng; đại diện Cục Y tế dự phòng hướng dẫn kiện toàn tổ chức hệ thống, giải quyết rào cản về cơ chế, chính sách để chuyển dịch vụ điều trị quản lý NCD tại Trạm Y tế.
Cũng tại Hội nghị các đại biểu cùng thảo luận về các biện pháp kiện toàn hệ thống kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, trong đó tập trung cao vào các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp; thực hiện các quy định, hướng dẫn về khám chữa bệnh, thuốc và vật tư thiết yếu cũng như kinh phí, bao gồm quỹ khám chữa bệnh và chế độ cho cán bộ y tế của Trạm Y tế xã. Thông qua hội nghị này, ngành Y tế tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục hoàn thiện kế hoạch nâng cao năng lực thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh THA và ĐTĐ nói riêng trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thạc sỹ Lê Ngọc Châu nhấn mạnh việc trước mắt của ngành y tế hiện nay là cần tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có tại các TYT xã, phường trong phát hiện, chẩn đoán, quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường không có biến chứng, nhất là đối với các người bệnh được tuyến trên chuyển về. Tiếp tục tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho TYT với sự hỗ trợ của tuyến trên, đây được coi là đòn bẩy quan trọng giúp cho các TYT tăng cường chuyên môn, thu hút, tăng niềm tin của người bệnh đối với TYT xã. Triển khai và phát triển y học gia đình, nhất là triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) trong đó chú trọng đến công tác dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh việc quản lý, điều trị các BKLN, bệnh mạn tính và chăm sóc sức khỏe dài hạn tại tuyến y tế cơ sở. Trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục làm đầu mối phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện các huyện, thành phố, thị xã triển khai các hoạt động củng cố mạng lưới từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã, thôn bản. Trên cơ sở các huyện, thị xã, thành phố đăng ký triển khai mô hình quản lý bệnh nhân THA, ĐTĐ tại Trạm y tế Sở Y tế sẽ nhân rộng mô hình...
Tuấn Dũng