• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chủ động phòng chống dịch Sốt xuất huyết

Thời điểm chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết bùng phát và lây lan trên diện rộng. Để chủ trong phòng chống dịch sốt xuất huyết, thời gian qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu mức thấp nhất tình trạng dịch bệnh lây lan diện rộng.

Thời điểm chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết bùng phát và lây lan trên diện rộng. Để chủ trong phòng chống dịch sốt xuất huyết, thời gian qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu mức thấp nhất tình trạng dịch bệnh lây lan diện rộng.

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại thôn Đồng Liên xã Thạch Đồng

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn cả nước đã ghi nhận khoảng 40 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết, tại 52 tỉnh thành trên cả nước, trong đó 25 trường hợp đã tử vong. Tại các tỉnh phía nam, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp trong những tuần gần đây, nhất là một số tỉnh, thành phố như Thành phố HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng...Tại Hà Tĩnh, mặc dù chưa có các ổ dịch sốt xuất huyết lớn xuất hiện, nhưng đã xuất hiện rãi rác một vài nơi. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, Ngành Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tê Dự phòng các tuyến phối hợp cùng chính quyền các địa phương tăng cường các giải pháp đồng bộ để phòng tránh dịch sốt xuất huyết lây lan, phức tạp.

Đến thời điểm này, tại Hà Tĩnh đã ghi nhận 48 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại một số xã như Đức Vĩnh (Đức Thọ) Thạch Đồng, Thạch Hưng, phường Tân Giang (thành phố Hà Tĩnh), Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh). Tại những nơi có dịch Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng huyện, thị xã, thành phố phối hợp cùng với chính quyền địa phương, đoàn thể vào cuộc điều tra, lấy mẫu và khoanh vùng dập dịch. Bác sĩ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Hiện tại ở những nơi có dịch SXH cơ bản chúng tôi đã khống chế dập tắt, tuy nhiên chỉ có ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng phức tạp hơn với 32 số ca mắc. Chúng tôi đã chỉ đạo thành lập đội đặc nhiệm tiếp cận vùng dịch để phòng chống dịch SXH với tốc độ nhanh, khẩn trương để tránh dịch bệnh lây lan diện rộng”

Kiểm tra sức khỏe bệnh nhân Sốt xuất huyết tại Trạm Y tế xã Kỳ Lợi - thị xã Kỳ Anh

Còn tại thành phố Hà Tĩnh, đến thời điểm này đã có 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết ở phường Tân Giang, xã Thạch Hưng và xã Thạch Đồng. Theo ghi nhận, bệnh nhân Biện Văn Hiệu, 27 tuổi ở xóm Đồng Liên, xã Thạch Đồng vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh trong tình trạng sốt trên 39 độ, nổi nhiều ban đỏ, đau đầu kèm theo nhức mỏi cơ.... Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã có mặt kịp thời phối hợp với bệnh viện điều tra lấy mẫu làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với sốt xuất huyết Dengue. Được biết bệnh nhân này chưa có tiền sử mắc bệnh và vừa đi làm ăn tại Thái Lan về, hiện tại bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.

“Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp trong những ngày vừa qua, nhất là khi thời tiết thay đổi, mưa nhiều là điều thuận lợi để virut gây bệnh phát triển. Chính vì vậy, ngay sau khi phát hiện, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố đã tiến hành giám sát, theo dõi tại khu vực bệnh nhân Hiệu sinh sống. Cùng với đó, phối hợp vơi chính quyền địa phương, đoàn thể nhanh chóng ra quân thực hiện chiến dịch làm vệ sinh môi trường như thu gom rác thải, thả cá vào bể nước để tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi,..” Bác sĩ Đào Thị Phương – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết.

Có thể nói SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virut Dengue gây ra, loại virut này có 4 tuýp huyết thanh đều có khả năng gây bệnh. Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm bởi có mức độ lây lan rất nhanh chóng và thường có thể xảy ra quanh năm, nhất là thời điểm chuyển mùa rất thuận lợi cho muỗi phá triển. Bệnh thường gặp ở những nơi tập trung đông dân cư, vệ sinh môi trường kém. Bệnh có thể khởi phát ở người lớn và  nhất là trẻ nhỏ, trẻ mắc bệnh tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 1 - 10 tuổi. Thường bệnh của trẻ trở nên nặng vì sức đề kháng yếu, hơn nữa bác sĩ thường phát hiện trễ vì trẻ có những triệu chứng dễ nhầm với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, siêu vi trong mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết có các biểu hiện: Sốt cao đột ngột, sốt liên tục kéo dài từ 2 - 7 ngày . Dấu hiệu xuất huyết nhẹ nhất là chảy máu cam, bệnh tiến triển nặng biểu hiện ở xuất huyết dưới da có thể lan rộng toàn thân, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, gan to.. kèm theo một số triệu chứng như mệt mõi, chán ăn, đau đầu, đau sau hốc mắt, buồn nôn, đau bụng. Hiện nay vẫn chưa có thuốc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, vì vậy, khi có các triệu chứng của bệnh SXH cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Phun hóa chất diệt muỗi tại các địa phương có dịch Sốt xuất huyết

Bác sĩ Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh chia sẻ  thêm: Qua các điều tra, nghiên cứu cho thấy ở những địa phương có dịch SXH lưu hành quanh năm thì trẻ em dễ mắc bệnh này nhiều hơn người lớn do người lớn đã có miễn dịch qua các lần mắc bệnh trước đó (nếu dịch xảy ra lần này cùng týp huyết thanh với lần trước đó). Những vùng và địa phương lần đầu có bệnh SXH thì mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh (vì chưa có miễn dịch với virus Dengue). Bệnh SXH dù là người lớn hay trẻ em khi mắc bệnh đều rất nguy hiểm, đặc biệt là loại SXH gây sốc. Chính vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết đó là cần diệt muỗi.  Mỗi gia đình, nhất là ở những nơi đã có dịch cần phun thuốc diệt muỗi theo định kỳ . Ngoài ra, việc dùng các loại hương muỗi để xua và diệt muỗi cũng góp phần quan trọng để hạn chế đến mức tối đa muỗi đốt và hút máu truyền bệnh SXH. Cần nằm màn tuyệt đối cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm.

Ở những vùng đang xảy ra dịch sốt xuất huyết, nên đi bít tất thường xuyên và mặc quần dài ống để tránh hở da vùng chân. Để tiêu diệt bọ gậy cần phải thau rửa chum, vại và các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt, đồng thời các vật dụng đó phải có nắp nậy để không cho muỗi vào đẻ trứng. Nếu có dùng lọ cắm hoa thì cần thay nước hàng ngày. Có thể nuôi các loài cá có khả năng ăn được nhiều bọ gậy. Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường tốt, khơi thông cống rãnh, ao, hồ, phát quang bụi rậm không cho muỗi cư trú...

Hải Thuận


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.314
Tháng 05 : 152.470
Năm 2025 : 912.149
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 12.739.433