• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chủ động phòng chống bệnh giun truyền qua đất cho trẻ

Hà Tĩnh là một tỉnh thuần nông nên hầu hết người dân nằm trong vùng có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh giun truyền qua đất. Kết quả điều tra năm 2011, có 67,9% dân số tỉnh ta nhiễm giun, đây là một tỷ lệ còn cao so với toàn quốc.

Hà Tĩnh là một tỉnh thuần nông nên hầu hết người dân nằm trong vùng có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh giun truyền qua đất. Kết quả điều tra năm 2011, có 67,9% dân số tỉnh ta nhiễm giun, đây là một tỷ lệ còn cao so với toàn quốc. Từ năm 2014 đến nay, Viện Sốt rét – Kí sinh trùng - Côn trùng trung ương và Trung tâm phòng chống Sốt rét- kí sinh trùng - côn trùng tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm cho người dân của một số xã tại các huyện Vũ Quang, Cẩm Xuyên và Can Lộc. Kết quả có từ 20 – 50% số mẫu được lấy dương tính với các loại giun. Đặc biệt năm 2015, kết quả lấy mẫu máu và phân của 200 người dân Thị trấn Thiên Cầm và xã Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên, đã có 98 người dương tính với giun đũa chó mèo, tỷ lệ tương đương 50%. Đây là tỷ lệ khá cao so với cả nước.

Cán bộ y tế truyền thông về phòng chống bệnh giun sán cho người dân

Để chủ động phòng bệnh giun truyền qua đất cho trẻ, từ năm 2006 đến nay, ngành Y tế đã triển khai nhiều chương trình tẩy giun miễn phí cho các đối tượng như: trẻ từ 06-24 tháng, học sinh tiểu học và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ có chương trình này, từ năm 2011 đến nay mỗi năm đã có trên 200 ngàn học sinh tiểu học, 146 ngàn trẻ từ 24-60 tháng, 220 ngàn phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được uống thuốc tẩy giun. Tại tỉnh ta, sau nhiều năm triển khai thực hiện chương trình, các trường hợp bị tai biến, biến chứng do giun cần phải can thiệp về y tế như: viêm ruột thừa do giun đũa, tắc ruột do giun đũa, apxe gan do giun đũa… đã giảm hẳn; giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu ở trẻ nhỏ và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.

Chị Nguyễn Thị Dung, thôn 2 xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân cho biết: nhờ được uống thuốc tẩy giun, con gái chị đã ít bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa, ăn uống tốt hơn và tăng cân nhanh. Cô Nguyễn Thị Thu Sen – Giáo viên trường Tiểu học Nam Hà cũng phấn khởi cho biết thêm: Từ khi có chương trình uống thuốc tẩy giun cho học sinh tiểu học, trường đã phối hợp tốt với Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố tổ chức cho các em học sinh được uống thuốc đầy đủ, an toàn. Nhiều năm trở lại đây tỷ lệ học sinh bị đau bụng, mắc các bệnh về tiêu hóa giảm hẳn. Đây là chương trình rất có ý nghĩa nhằm  phòng tránh các bệnh do giun ở học sinh tiểu học, giúp các em có sức khỏe để học tập.

Xét nghiệm phân tại điểm kính ở Trạm y tế xã

Theo Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh – Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Kí sinh trùng – Côn trùng: Về bệnh giun thì trên địa bàn tỉnh ta thường hay mắc các bệnh giun đũa, giun kim, giun tóc…. Trong đó tỷ lệ nhiễm giun đũa chó mèo khá cao. Viện Sốt rét – Kí sinh trùng – Côn trùng Trung ương đã phối hợp với Trung tâm phòng chống Sốt rét- Kí sinh trùng – Côn trùng tỉnh cấp thuốc điều trị cho các trường hợp nhiễm giun đũa chó mèo tại huyện Cẩm Xuyên. Định kỳ 3 tháng làm xét nghiệm 01 lần và đến nay các trường hợp này đã khỏi. Về nhiễm sán hay gặp nhất là sán lá gan ở các vùng Can Lộc, Nghi Xuân.

Bác sỹ Thanh cho biết thêm: bệnh giun sán gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe của trẻ. Về mặt tiêu hóa , nó khiến trẻ ăn uống kém đi, hoặc dù ăn uống tốt nhưng vẫn khó có thể tăng cân. Trẻ bị đau bụng mà người ta thường gọi là đau bụng giun, đặc biệt khi trẻ mắc bệnh giun đũa thì sẽ bị đau bụng lúc đói, trẻ buồn nôn, da xanh xao, mất ngủ. Trẻ nhiễm giun đũa có thể gây tắc ruột, tắc mật, tắc ống tụy, viêm gan…. Trong trường hợp trẻ bị nhiễm giun tóc, giun móc, giun này bám bám vào niêm mạc ruột có thể gây ra viêm loét đường ruột, tiêu chảy, kiết lị cho trẻ…

Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất … Ai cũng có thể mắc bệnh giun sán, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy cần chủ động phòng chống bệnh giun cho trẻ bằng cách: tẩy giun định kỳ cho trẻ định kỳ 6 tháng/ 1 lần; tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, vườn tược sạch sẽ; vệ sinh cá nhân; quản lý chặt chẽ phân nước rác. Mỗi gia đình cần có hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi. Không dùng phân tươi chưa ủ kỹ bón ruộng. Không ăn uống thức ăn chưa nấu chín, ôi thiu, cần rửa kỹ thực phẩm dưới vòi nước sạch...

Thu Hòa


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.367
Tháng 04 : 189.876
Năm 2025 : 749.087
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 12.576.371