7 điều kiêng kỵ khi ăn quả dâu tằm
Hiện đang là thời điểm quả dâu tằm vào mùa. Nhiều người sử dụng quả dâu tằm như một loại trái cây hoặc ngâm nước dâu để uống dần. Tuy nhiên, khi sử dụng quả dâu, bạn cần ghi nhớ một số điểm sau.
Quả dâu tằm Đông y dùng với tên gọi tang thầm, thường được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 hằng năm.
Quả dâu tằm không chỉ là một loại quả được nhiều người sử dụng mà còn là vị thuốc đông y với nhiều tác dụng khác nhau.
Tác dụng của quả dâu tằm
Theo Đông y, quả dâu tằm có vị chua, ngọt, tính lạnh, quy kinh Tâm, Can và Thận, có các tác dụng bổ ích Can Thận, tư âm dưỡng huyết, thanh Can sáng mắt, giải rượu, an thần.
Tang thầm trong Đông y thường được sử dụng trong điều trị các chứng như hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối, ù tai điếc tai, râu tóc bạc sớm, điều trị mất ngủ, táo bón kéo dài…
Nghiên cứu y học hiện đại cũng cho thấy trong quả dâu chín có chứa nhiều glucose, fructose, vitamin B1, vitamin C, anthocyanin, tanin, protid, nhiều acid hữu cơ… Nhiều hoạt chất được chiết xuất từ quả dâu tằm có những tác dụng tốt với sức khỏe như giúp chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, tăng cường trí nhớ.
Một số lưu ý khi sử dụng quả dâu tằm
Người có thể trạng lạnh không nên ăn quả dâu tằm
Những người có thể trạng lạnh thường có những biểu hiện như người thường xuyên thấy lạnh, sợ lạnh, dễ cảm lạnh, chân tay lạnh, ăn uống kém, hay đầy bụng, khó tiêu, đại tiện phân lỏng nát…
Những người này vốn dĩ trong người đã có sẵn hàn khí quá nhiều, dương khí khuy tổn, nếu lại dùng quá nhiều dâu tằm - một loại thực phẩm có tính lạnh sẽ khiến cho hàn khí trong cơ thể càng nhiều hơn, dương khí càng bị tổn thương, các vấn đề nêu trên sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, phụ nữ có thai nếu có thể trạng lạnh tuyệt đối không ăn quả dâu tằm. Phụ nữ có thai với thể trạng lạnh nếu ăn có thể dẫn đến tiêu chảy, thậm chí sẩy thai.
Người sợ lạnh không nên ăn quả dâu tằm.
Người Tỳ Vị yếu không nên ăn dâu tằm
Người Tỳ Vị hư nhược sẽ có một số biểu hiện như chán ăn, người mệt mỏi, ăn khó tiêu, hay bị đầy bụng,chân tay không có lực, cơ bắp teo nhỏ, nhão, ngại vận động, ngại nói…
Theo Đông y những người Tỳ Vị hư nhược không nên ăn đồ ăn có tính lạnh, chính vì vậy những người này không nên ăn nhiều quả dâu tằm.
Người đại tiện phân lỏng, nát không nên ăn nhiều quả dâu tằm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tính trạng đi ngoài phân lỏng nát. Quả dâu tằm có tác dụng nhuận tràng, chữa táo bón, những người vốn đi ngoài phân không thành khuôn nếu ăn quá nhiều quả dâu tằm có thể khiến tính trạng này trở nên nặng nề hơn.
Người bệnh đại tiện phân lỏng không nên ăn quả dâu tằm.
Không cho trẻ nhỏ ăn nhiều quả dâu tằm
Dâu tằm là một loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên trẻ nhỏ lại không nên ăn nhiều loại quả này.
Trong dâu tằm có chứa nhiều chất ức chế trypsin, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt, canxi, kẽm của trẻ nhỏ. Vì vậy chỉ nên cho trẻ nhỏ ăn lượng vừa phải quả dâu tằm.
Không nên dùng chung quả dâu tằm với trứng vịt, thịt vịt
Đông y đặc biệt chú trọng những nguyên tắc trong ăn uống và dùng thuốc, những vị thuốc, món ăn kỵ nhau không nên dùng chung với nhau.
Quả dâu tằm và trứng vịt, thịt vịt là những món ăn kỵ nhau, nếu dùng chung có thể dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Không nên ăn cùng lúc quả dâu tằm với trứng vịt.
Không ăn quả dâu tằm còn non
Quả dâu tằm còn non có chứa xyanua, là một chất độc với cơ thể. Bên cạnh đó quả dâu tằm chưa chín còn chứa các chất gây tan máu và acid hyaluronic, khi ăn quá nhiều quả dâu tằm xanh có thể dẫn đến tình trạng viêm ruột tan máu.
Vì vậy chúng ta không nên chọn những quả chưa chín có màu xanh nhạt, hơi ngả vàng hoặc trắng, nên chọn những quả dâu tằm đã chín, đã chuyển sang màu tím sẫm, vừa cho hương vị thơm ngon hơn, vừa có lợi cho sức khỏe hơn.
Những người đang dùng thuốc hạ đường huyết cần lưu ý khi ăn quả dâu tằm
Dâu tằm là loại quả có thể dùng trong những trường hợp tăng đường huyết, giúp giảm đường huyết, hỗ trợ điều trị đái tháo đường, tuy nhiên nếu dùng quá nhiều quả dâu tằm hoặc dùng chung với các thuốc hạ đường huyết khác, quả dâu tằm có thể dẫn đến tính trạng hạ đường huyết rất nguy hiểm.