6 điều cần lưu ý để bảo vệ bản thân trước nắng nóng
Với mức nhiệt đầu Hè thường xuyên ở khoảng 37 - 40 độ C, chúng ta nên lưu ý những gì để có thể bảo vệ bản thân trước cái nóng kỷ lục?
Order 100% đường hay 50% hoặc ít ngọt hơn nữa?
Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi để hạ nhiệt. Tuy nhiên, lượng mồ hôi tiết ra cũng kéo theo các chất khoáng trong người như kali, natri mất theo. Và, do mất quá nhiều chất khoáng, bạn cảm thấy choáng váng và thậm chí ngất xỉu.
Trong những tình huống như vậy, nhiều người hay có thói quen “búc” trà sữa uống để đập tan cơn khát nhưng nào ngờ chính lượng đường quá cao trong trà sữa khiến cơ thể mất nước nhiều hơn, dẫn đến bạn sẽ khát hơn sau khi uống. Vì vậy, giải pháp là chọn loại đồ uống nào ít đường nhất có thể để an tâm “nâng chén tiêu… nóng” nhé!
Uống đá nhiều hay đá ít?
Nếu bạn uống quá nhiều và quá nhanh các loại giải khát có đá, cơ thể sẽ bị hạ nhiệt độ nhanh chóng dẫn đến xây xẩm. Ngoài ra, nếu như đá được làm từ nước không được vệ sinh, nguy cơ bị viêm họng cũng rất cao.
Tuy nhiên, trong thời tiết này, bao nhiêu đá cũng tan nhanh trong vài nốt nhạc. Nếu như không nỡ thay đổi về lượng đá, hãy thay đổi về tốc độ uống. Uống chậm vừa giúp bạn cảm nhận được vị của nước và tránh thay đổi nhiệt độ quá đột ngột.
Chọn bình thường hay bình giữ nhiệt?
Nếu đem bình nước theo uống thì nước chanh là gợi ý hay đó. Axit trong nước chanh kích thích tiết nước bọt, khiến chúng ta đỡ khát hơn nhiều. Đồng thời, bạn nên dùng bình giữ nhiệt để có thể bỏ chanh kèm vài viên đá nhé!
Vì nếu để ở nhiệt độ thường trong thời tiết nắng nóng, bình sẽ hút nhiệt truyền vào nước, cho bạn cảm giác mình uống nước nóng. Lúc đó, nhiệt độ cơ thể của bạn sẽ thậm chí cao hơn và đôi khi làm bạn mất nước nhiều hơn.
Mùa nóng nên ăn nhiều hay ít bữa?
Trời nóng và ăn không nổi là chuyện có thật nhé cả nhà mình ơi! Khi cơ thể tiêu hóa thức ăn, quá trình này tiết ra một lượng nhiệt nhất định để làm cơ thể nóng lên. Tuy nhiên, vào mùa nắng nóng, cơ thể bạn tự điều tiết để bạn không-muốn-ăn-gì-hết để giữ nhiệt độ không quá cao và thậm chí là bỏ bữa. Và, không ăn thì không có năng lượng và làm bạn mệt mỏi hơn.
Vì vậy, thay vì ăn một bữa ăn quá lớn, bạn cứ chia nhỏ ra, như đem khoai lang, chuối để bạn có thể bù năng lượng khi cần. Đặc biệt, bạn có thể ăn các bữa phụ các thực phẩm lỏng nhưng nhiều năng lượng như sữa chua, hoa quả để bữa ăn dễ chịu hơn.
Vô phòng máy lạnh hay ngồi trước quạt?
Nếu đang ở ngoài trời quá nóng, bạn lại vào máy lạnh quá nhanh, hết nóng thì có thể tức thời nhưng kéo theo đó là tốn tiền mua tiền thuốc vì sổ mũi, nhức đầu, cảm… từ vi khuẩn xâm nhập do nhiệt độ cơ thể thay đổi nhanh.
Còn khi ngồi với trước quạt, bạn nhớ thay áo đã bị ướt và ngồi từ từ tiến dần đến quạt để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ngồi quạt một chút cho cơ thể hạ nhiệt rồi hãy mở máy lạnh.
Áo đồng phục hay áo chống nắng?
Câu trả lời là cả hai nhé! Chưa bao giờ chiếc áo trắng đồng phục lại phát huy tác dụng nhiều trong mùa nắng nóng như hiện nay. Vì với các quần áo màu sáng như màu trắng, bức xạ nhiệt hấp thụ được vào trong quần áo sẽ ít hơn làm bạn cảm thấy bớt nóng.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý về chỉ số UPF (Ultraviolet Protective Factor) - chỉ số bảo vệ khỏi tia tử ngoại, nói nôm na là quần áo nào vải may càng khít như jean hay áo polyme thì khả năng chống nắng càng tốt nhé.
Tóm lại, hãy ăn thêm hoa quả mỗi ngày để đủ vitamin và uống đủ nước, trung bình 2 lít nước/ ngày. Mùa Hè rất dễ mất nước khi vận động kéo dài và mạnh, hãy chú ý ăn nhẹ trước khi tập, có thể là quả chuối hoặc một hộp sữa chua nhỏ để duy trì cho mình năng lượng nhé!