Tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19
Sáng ngày 16/02, Vụ sức khỏe Bà mẹ, trẻ em - Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 cho 120 điểm cầu trong cả nước. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ sức khỏe Bà mẹ, trẻ em, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ, Ngành, cơ quan liên quan. PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, có đại diện lãnh đạo Sở Y tế và phòng chuyên môn, Sở Giáo dục và Đào tạo, bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bs Lê Chánh Thành – Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, PGS. TS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp nhất là đối với trẻ em. Do đó, đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải xây dựng các kế hoạch, kịch bản chi tiết và phù hợp với tình hình từng địa phương để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học. Hơn nữa, hiện nay hệ thống điều trị Nhi khoa tại các địa phương hầu hết chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị nếu như có nhiều trẻ em bị lây nhiễm, do đó đồng chí đặc biệt nhấn mạnh các địa phương phải chủ động phân luồng đưa đón học sinh, tổ chức hướng dẫn các nghiệp vụ cơ bản cho đội ngũ giáo viên... đặc biệt là có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngành Giáo dục với Ngành Y tế tại các địa phương để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh...
Tại lớp tập huấn các học viên đã được các chuyên gia đầu ngành của Cục Khám chữa bệnh, Cục Môi trường Y tế, Vụ sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội... truyền đạt những nội dung cơ bản của lớp tập huấn như: Báo cáo tình hình điều trị COVID-19 cho trẻ em; hướng dẫn xử trí khi trẻ em bị mắc COVID-19 tại nhà; hướng dẫn xử trí khi trẻ em bị mắc COVID-19 tại trường học, tại nhà; hướng dẫn xử trí và điều trị trẻ em bị mắc COVID-19 tại bệnh viện....
Lớp tập huấn cũng đã có nhiều ý kiến thảo luận trực tiếp của đại diện các điểm cầu về các vấn đề liên quan như: trường hợp trong lớp học có học sinh bị F0 thì việc xét nghiệm thực hiện như thế nào? kinh phí được trích từ đâu? Những trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ F0 có tiến hành làm test nhanh không? Bệnh nhân nhiễm COVID-19 khi được điều trị khỏi, sau khi ra viện có phải đến các cơ sở y tế để tái khám không và nếu có thì sau thời gian bao lâu? khi các trường học có các ca F0, F1 thì xử trí như thế nào?.... Các thắc mắc đã được các chuyên gia giải trình thấu đáo.
Huy Ngân