Giúp con “né” thủy đậu khi đi nhà trẻ
Một thống kê cho thấy, 90% số ca nhiễm thủy đậu là trẻ em từ 2 – 7 tuổi, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Đặc biệt, trong các môi trường đông đúc như nhà trẻ, trường học, trẻ càng có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm căn bệnh này
Vì sao thủy đậu dễ bùng phát ở các trường học?
Bệnh thủy đậu hiện đang có xu hướng tăng mạnh qua các năm. Từ đầu năm 2018 đến nay, các bệnh viện đã tiếp nhận hàng nghìn trẻ em và có cả người lớn đến thăm khám và chữa trị, có tháng ghi nhận khoảng 3.000 bệnh nhân mắc bệnh. Riêng năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca, tăng gần 50% so với năm 2016. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó, trẻ em có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất.
Thuỷ đậu là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng trong không khí. Điều này có nghĩa là không cần phải tiếp xúc trực tiếp (ôm, nắm tay, quàng vai…) hoặc gián tiếp (dùng chung đồ chơi), trẻ vẫn có thể bị lây thủy đậu nếu chỉ trò chuyện cùng nhau. Đáng ngại hơn nữa, người bệnh có thể lây bệnh cho người xung quanh ngay trong thời gian ủ bệnh (từ 10 – 14 ngày trước khi nổi những bóng nước). Chính vì cơ chế lây nhiễm ngấm ngầm này mà ngay cả những bé được bố mẹ bảo vệ cẩn thận (thường cho bé nghỉ học để cách ly khi phát hiện trong lớp có bé bị bệnh) cũng khó lòng tránh khỏi.
Những biến chứng tiềm ẩn
TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết thêm, bệnh thủy đậu kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ vỡ, khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Thế nhưng trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) chưa biết cách thể hiện chính xác những cảm giác đau, khó chịu để bố mẹ hiểu, đồng thời khó kiểm soát các cơn ngứa ngáy do bệnh gây ra. Hậu quả là trẻ thường dùng tay gãi, làm vỡ các mụn nước, tăng nguy cơ để lại sẹo sau này. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi... Những trẻ đang bị bệnh, mắc chứng suy giảm miễn dịch hoặc dùng corticoid kéo dài, trẻ nhỏ dưới 6 tháng và các trường hợp khác dễ diễn biến bệnh nặng và biến chứng.
Viêm phổi do thuỷ đậu (Hình minh hoạ).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh hiệu quả. Hơn 90% người đã tiêm phòng sẽ tránh được hoàn toàn căn bệnh này. Khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng song thường nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), thường không gặp biến chứng. Trong đó trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi cần được tiêm 1 liều vắc-xin ngừa thủy đậu, thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên cần được tiêm 2 liều (cách nhau ít nhất 6 tuần).
Thời điểm nào nên tiêm ngừa thủy đậu cho trẻ? Mùa cao điểm bùng phát thủy đậu thường rơi vào khoảng tháng 1 – tháng 5 hằng năm. Tuy vậy, trong những năm qua, đã có nhiều trường hợp phát hiện ổ bệnh thủy đậu vào các thời điểm khác trong năm. Vì vậy, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo các bậc phụ huynh đừng đợi đến đợt cao điểm mới đưa con đi tiêm ngừa. Hơn nữa, việc tiêm ngừa cho trẻ trước hoặc sau mùa dịch còn giúp cha mẹ tránh được tình trạng khan hiếm vắc-xin, chen chúc tại các trung tâm tiêm chủng. Điều này cũng giúp trẻ có kháng thể thích nghi trong cơ thể, chuẩn bị sẵn sàng cho đợt dịch thủy đậu có thể xảy đến. Nếu trẻ đã đủ 12 tháng tuổi, bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn và tiêm ngừa trước khi bé có nguy cơ bị lây nhiễm. Ngoài ra, để có thêm thông tin hữu ích về cách phòng bệnh thủy đậu, truy cập ngay fanpage: https://www.facebook.com/chandungheluytuthuydau/ hoặc website: http://www.tiemphongvacxin.com hoặc gọi tổng đài tư vấn miễn phí 1800 54 54 59 |
Theo: Báo SKĐS