Luật An ninh mạng - Hành lang pháp lý bảo vệ an ninh quốc gia
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh Phan Duy Phong khẳng định, Luật An ninh mạng nhằm đảm bảo công tác an ninh về chủ quyền quốc gia, thiết lập trật tự an toàn xã hội trên không gian ảo; kịp thời bổ sung đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh mạng.
Hiểm họa thật từ thế giới "ảo"
Theo thông tin từ Bộ Công an, năm 2017, tại Việt Nam đã xảy ra 15.000 cuộc tấn công mạng, 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc tấn công phần mềm độc hại, 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện vào các trang, cổng thông tin điện tử. Việt Nam cũng là quốc gia luôn nằm trong nhóm bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới và có tội phạm công nghệ cao phát triển nhanh dưới các hình thức lừa đảo trực tuyến, đánh bạc, môi giới mại dâm, buôn bán vũ khí, ma túy…
Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật An ninh mạng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Nguy hại hơn, thế giới mạng còn là nơi để các đối tượng chống phá Nhà nước lợi dụng phát tán, tuyên truyền những nội dung, luận điệu sai trái, vi phạm nghiêm trọng đạo đức, pháp luật.
An ninh mạng nói chung và an ninh thông tin nói riêng đối với cá nhân người dùng ngày nay chủ yếu bị rò rỉ, bị đánh cắp, theo dõi… thông qua các kênh sử dụng mạng xã hội, trong đó, trên môi trường facebook là chủ yếu. Nhiều người dùng trở thành nạn nhân khi sử dụng các ứng dụng, phần mềm, hay lướt web đen, click vào các đường link/file gửi kèm có chứa mã độc trong email. Có những tài khoản facebook cá nhân… bị chiếm quyền (hack) nhằm tống tiền hoặc trục lợi. Hay những thông tin trái chiều không được kiểm chứng xuất hiện tràn lan trên facebook làm nhiễu loạn thông tin trong dư luận, gây ảnh hưởng xấu tới danh dự, nhân phẩm con người.
Nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các hoạt động lợi dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã được Quốc hội thông qua. Tuy vậy, để xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, việc ban hành một văn bản pháp luật chuyên về an ninh mạng là vô cùng cần thiết.
Luật An ninh mạng phù hợp với quy định tại Hiến pháp 2013
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh Phan Duy Phong cho rằng: “Việc quy định rõ các biện pháp bảo vệ an ninh mạng sẽ bảo đảm tuân thủ nghiêm túc quy định của Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành”.
Trình tự, thủ tục của các biện pháp này được quy định chặt chẽ bằng văn bản quy phạm pháp luật, không thể bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, hoặc kiểm soát người dùng, kiểm soát quyền riêng tư. Cơ quan chức năng chỉ áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng để phòng ngừa, phát hiện, thu thập chứng cứ, đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng theo luật sư Phong, Luật An ninh mạng đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế khi đã có hơn 130 quốc gia trên thế giới ban hành văn bản pháp lý bảo vệ hệ thống an ninh quốc gia trên môi trường Internet. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, mạng internet là phương tiện nhanh nhất để người sử dụng đưa ra quan điểm, ý kiến cá nhân. Tuy vậy, việc đưa thông tin tràn lan, không được kiểm chứng trong nhiều trường hợp sẽ đưa tới hậu quả vô cùng to lớn. Chính vì vậy, Luật An ninh mạng sẽ góp phần giải quyết vấn đề này.
Luật An ninh mạng góp phần điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức
Ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ truyền thông Jujube Hà Tĩnh khẳng định: Luật An ninh mạng tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện phát triển trên môi trường mạng; điều chỉnh các hành vi của tổ chức, cá nhân phù hợp với xu thế bùng nổ công nghệ thông tin; không để kẻ xấu có điều kiện lợi dụng sơ hở để phát tán các thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng xấu tới chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chuyên gia công nghệ thông tin đưa ra dẫn chứng trên thực tế, tác hại của những thông tin xấu độc không được kiểm chứng trên internet nói chung và mạng xã hội facebook nói riêng ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội.
Trước thực trạng này, công tác quản lý mạng xã hội chính là chìa khóa “giải mã độc” góp phần trang bị những kiến thức cần thiết để mỗi người có thể nâng cao khả năng tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với mã độc hại - những thông tin xấu độc đang làm nhiễu loạn môi trường mạng. Trong đó, hệ thống luật pháp phải được quy định chặt chẽ hơn, tạo ra khung pháp lý bảo vệ cá nhân, tổ chức; đồng thời phải xử lý nghiêm với những đối tượng đưa tin độc hại, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,…
Rõ ràng, việc ban hành Luật An ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hết sức cần thiết, đúng đắn; tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động.
Theo: Báo Hà Tĩnh