• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

“Hoá thân” thành người bệnh, để nói, cười, tâm sự cùng người bệnh...

Chăm sóc người bệnh tâm thần là một công việc vừa khó khăn, vừa vất vả lại không kém phần hiểm nguy. Ấy vậy mà người phụ nữ nhỏ bé đó đã dành gần trọn cuộc đời mình cho công việc này. Chị là Trần Thị Đào - Điều dưỡng Khoa Cấp tính Nam, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh.

Chăm sóc người bệnh tâm thần là một công việc vừa khó khăn, vừa vất vả lại không kém phần hiểm nguy. Ấy vậy mà người phụ nữ nhỏ bé đó đã dành gần trọn cuộc đời mình cho công việc này. Chị là Trần Thị Đào - Điều dưỡng Khoa Cấp tính Nam, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh.

Năm nay chị ngoài 50 tuổi, gương mặt hằn lên nét khắc khổ. Chị cho biết sau khi học xong lớp Sơ cấp Y tế tại Sư đoàn 441 - Quân khu 4. Năm 1984 chị xin về làm tại Khoa Lây - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và tiếp tục đi học lớp điều dưỡng tại Trường Trung cấp y tế Nghệ An. Công tác tại Khoa Lây được 17 năm đến năm 2001 chị được điều chuyển sang khoa Tâm thần. 16 năm làm công tác chăm sóc bệnh nhân tâm thần là 16 năm gian khổ, vất vả nhất trong quá trình chăm sóc người bệnh của chị. Chị kể, khi ấy mọi cái đều khó khăn, điều kiện kinh tế, sự phát triển của xã hội không được như bây giờ. Hàng ngày chị chăm sóc, phục vụ người bệnh. Có nhiều người phải chăm sóc đặc biệt vì không tự ăn uống, làm vệ sinh cá nhân được, chị phải xúc cơm cho bệnh nhân ăn, tắm rửa, thậm chí thông tiểu... cho họ. Đáp lại, nhiều khi vì bệnh tật người bệnh lại chửi mắng chị rất thậm tệ.

Điều dưỡng Trần Thị Đào đang chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần tại khoa cấp tính nam

Chị cho biết, người bệnh tâm thần có khi chỉ cần một tích tắc, quay lại họ đã có những hành vi bất thường. Nhiều bệnh nhân lên cơn kích động vớ được dao hay bất cứ đồ vật gì là có thể đâm người khác hoặc làm tổn thương chính bản thân mình. Còn nhớ, cách đây không lâu có trường hợp bệnh nhân quê ở Cẩm Xuyên vào viện điều trị bệnh tâm thần phân liệt, trong lúc chuẩn bị cho uống thuốc thì bệnh nhân lên cơn và la hét, rồi chửi bới đập phá, cầm dao rượt đuổi người thân và cán bộ y tế. Lúc đó, Chị phải gọi thêm người ở khoa khác và nhân viên bảo vệ của bệnh viện sang giúp sức. Người cầm tay, người cầm chân để cố định bệnh nhân không cho bệnh nhân la hét, đập phá, kích động... Có những bệnh nhân nằm lâu, gia đình không đến thăm nom động viên, nhiều gia đình bỏ rơi người bệnh, người bệnh muốn chết nên có những hành vi như cắt tay, treo cổ, hủy hoại bản thân, giấu dao, dây rợ, thậm chí bật lửa để đốt… Tình cảnh bệnh nhân tâm thần rất phức tạp vì vậy nhiệm vụ của người điều dưỡng như chị là phải luôn theo dõi để phát hiện và ngăn ngừa.

Gần 20 năm chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chị tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, với chị chỉ cần nhìn bệnh nhân là chị có thể đoán biết được bệnh nhân này có ngấm thuốc hay không, bệnh nhân kia sắp lên cơn kích động... Chị bảo mình vẫn phải luôn luôn học hỏi vì mỗi thời lại đòi hỏi người điều dưỡng tâm thần những kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp với các trường hợp người bệnh thời đó.

Nhận xét về chị, Bác sỹ Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng khoa Cấp tính Nam, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh cho biết: “Chị Đào là một điều dưỡng cần mẫn, chịu khó, tính tình lại kiên nhẫn, nhẹ nhàng. Ở Chị hội đủ những tố chất của một điều dưỡng tâm thần, vì với bệnh nhân tâm thần phải hết sức kiên nhẫn, nhẹ nhàng thì họ mới nghe mình được. Không những làm tốt công việc của mình mà Chị sẵn sàng làm thay công việc của một điều dưỡng khác khi cần không chút nề hà, trong công việc chuyên môn Chị luôn phối hợp nhịp nhàng với các bác sĩ trong quá trình chăm sóc, điều trị và quản lý người bệnh tâm thần, Chị là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo”.

Có thể nói chăm sóc bệnh nhân tâm thần nếu không có cái tâm thì không thể làm được. Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, việc làm đó đối với những bệnh nhân thần kinh càng khó khăn gấp bội. Với bệnh nhân tâm thần, ngoài các vấn đề về chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50% trong việc chữa trị cho người bệnh. Nhiều khi cán bộ y tế phải “hoá thân” thành người bệnh, để nói, cười, tâm sự cùng người bệnh... Chính vì vậy, chị luôn tự nhắc nhở mình phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao y đức để chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân tâm thần nơi đây ngày càng tốt hơn. Chứng kiến những hành động, lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng với bệnh nhân, chúng tôi mới cảm nhận được sự yêu thương, chia sẻ của Điều dưỡng Đào dành cho người bệnh. Những hành động, lời nói ấy đã giúp bệnh nhân cảm thấy thân thiết, gần gũi hơn và hợp tác với bác sỹ trong việc khám và điều trị.

Với những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần chị Đào đã nhận được nhiều giấy khen của Sở Y tế, Công đoàn cơ sở, Bệnh viện tâm thần, ngoài ra chị còn vinh được được Nhà nước trao tặng Huy chương chiến sỹ vẻ vang hạng 3, được Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.

Tuấn Dũng


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.732
Tháng 05 : 26.592
Năm 2024 : 745.891
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.544.405