Dinh dưỡng trong dự phòng COVID-19
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ miễn dịch của cơ thể. Dinh dưỡng cung cấp các nguyên liệu cho cơ thể con người, tạo ra hệ miễn dịch, do đó chúng ta cần thường xuyên thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, đa dạng thực phẩm, đảm bảo cung cấp đủ bốn nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm chất béo, nhóm chất đạm, nhóm vitamin và chất khoáng).
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi trong những năm đầu hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn nếu bị nhiễm bệnh nhất là đối với các trẻ có cân nặng thấp, suy dinh dưỡng hay có bệnh nền, bệnh mạn tính. Chính vì vậy nhu cầu dinh dưỡng phòng bệnh cho trẻ cần đáp ứng nhu cầu theo lứa tuổi và theo nguyên tắc dinh dưỡng, nếu trẻ có bị suy dinh dưỡng hay có bệnh nền như nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa… thì cần tư vấn ngay của cán bộ dinh dưỡng. Đối với trẻ đến tuổi ăn dặm cho trẻ ăn đủ bốn nhóm thực phẩm và kết hợp với bú sữa mẹ, lựa chọn các thực phẩm tươi ngon, ăn chín, uống sôi, quá trình chế biến không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chú ý rửa tay thường xuyên theo hướng dẫn của cán bộ y tế trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Ngoài chế độ ăn tăng cường bổ sung thêm thực phẩm giàu đạm và các đa vi chất vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, sắt kẻm, selen, omega3… để tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời cho trẻ uống đủ nước để giúp hệ thống nhầy ở đường hô hấp hoạt động tốt, nhằm bảo vệ các tế bào ở các niêm mạc không bị tổn thương, giúp hạn chế các vi khuẩn và virus xâm nhập vào hệ hô hấp. Đối với trẻ ốm phải được khám bệnh sớm và điều trị kịp thời để tránh trường hợp bệnh tiến triển nặng thêm, tiêm chủng đầy đủ theo lịch để phòng chống bệnh tật.
Dinh dưỡng phòng bệnh cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cho trẻ ăn bất kỳ loại thức ăn nào khác ngoài sữa mẹ. Trẻ được bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, bú theo nhu cầu khi trẻ bị ốm hoặc tiêm chủng vẫn cho trẻ bú bình thường, sữa mẹ là thức ăn dinh dưỡng miễn dịch tốt nhất đối với trẻ em vì trong sữa mẹ có kháng thể giúp trẻ phòng chống bệnh tật, đồng thời giúp hình thành và duy trì hệ miễn dịch của trẻ, đặc biệt là hệ miễn dịch tại đường tiêu hóa. Những trẻ sơ sinh thiếu tháng cần cho trẻ ăn càng sớm càng tốt vì khả năng mất nước, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt lớn hơn trẻ đủ tháng. Trẻ càng có cân nặng thấp, ít ngày tuổi thì càng cho ăn thành nhiều bữa, nếu trẻ sinh qúa non, cân nặng lúc sinh dưới 1800g, nhẹ cân so với tuổi thai, hay tốc độ tăng cân không dủ, cần tư vấn bởi cán bộ dinh dưỡng để làm giàu các chất trong sữa mẹ cho phù hợp với nhu cầu cao hơn bình thường của trẻ sinh non, các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ được nghỉ ngơi hợp ly và dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
Đối với những người cao tuổi có sức đề kháng yếu hơn dễ bị bệnh và khi đã bị bệnh thường mắc nặng hơn, làm quá trình điều trị khó khăn, tỷ lệ tử vong cao, vì vậy người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn đủ các nhóm thực phẩm và giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng và có thể phối hợp các loại thực vật như đậu tương, đậu xanh, lạc, vừng… chế biến hợp khẩu vị, sở thích và khả năng nhai nuốt thức ăn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho mỗi cá thể. Ngoài ra bổ sung thêm các bữa phụ bằng các loại sữa công thức, sữa chế biến sẵn… từ 1-2 cốc/ngày. Những trường hợp mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch, ung thư, cao huyết áp…thì thực hiện chế độ ăn, điều trị các bệnh theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị. Ngoài các chế độ ăn thì phải uống đủ lượng nước theo nhu cầu và theo từng lứa tuổi, người trưởng thành mỗi ngày từ 2 – 2.5 lít, ít nhất 1,5 lít, nên uống nước ấm, lưu ý không chờ tới lúc khát mới uống, thay vào đó uống thường xuyên mỗi lần một ít cho vừa đủ. Duy trì vận động và các hoạt động thể lực từ 30-60 phút mỗi ngày, hạn chế bia rượu, các chất kịch thích. Trong điều kiện giãn cách xã hội cần linh hoạt, khéo léo tổ chức các bữa ăn gia đình để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ngon miệng hợp vệ sinh, kết hợp với tập luyện thể lực hàng ngày tại nhà và có lối sống lành mạnh nhằm nâng cao sức khỏe và sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh lâu dài.
Bác sỹ: Thu Hường- Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng - CDC Hà Tĩnh