Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Là bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn có số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị rất đông. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm tải áp lực hành chính đối với các y, bác sỹ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Nhận thức được vấn đề đó, thời gian qua bệnh viện đã tập trung nguồn lực, đào tạo nhân lực để triển khai các gói ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và khám, chữa bệnh, đạt được kết quả khả quan.

Bệnh viện đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản trong công tác quản lý điều hành và thanh toán bảo hiểm y tế. Với hệ thống công nghệ thông tin gồm 09 máy chủ, 300 máy trạm và 200 máy in các loại; mạng Internet và LAN kết nối hết các khoa, phòng; hệ thống camera giám sát với gần 60 cái; hệ thống gọi số tự động được triển khai. Việc ứng dụng CNTT bước đầu đã cho thấy những hiệu quả trong công tác giảm tải, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, tránh nhầm lẫn trong khâu kê đơn thuốc đồng thời giúp nâng cao hiệu suất và giải quyết xử lý nhanh các công việc. Bệnh viện cũng đã ứng dụng thành công đầu đọc mã vạch trên thẻ bảo hiểm y tế để giảm thời gian tiếp đón bệnh nhân và đảm bảo phản ánh đúng thông tin hành chính của người bệnh trong tổng hợp thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội. Đồng thời nâng cấp hệ thống HIS để có thể lưu giữ, thể hiện lịch sử thăm khám, quá trình điều trị của bệnh nhân, hỗ trợ quyết định lâm sàng, xem và quản lý các kết quả cận lâm sàng. Qua đây, bác sỹ có thể dễ dàng truy cập xem và theo dõi kết quả điều trị của bệnh nhân một cách chính xác, giúp giảm thiếu sót y khoa, giảm bớt các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho cả bác sỹ và bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám và điều trị…
Đặc biệt, tháng 6 năm 2016, bệnh viện chính thức đưa bệnh án điện tử vào hoạt động. Đây là phần mềm được xây dựng theo các tiêu chuẩn quốc tế, giúp cán bộ, nhân viên, y bác sỹ bệnh viện xử lý hiệu quả việc tiếp nhận, quản lý bệnh nhân, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và quản lý tài chính. Phần mềm Bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với tất cả khoa phòng trong bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin về tất cả các lần khám, chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học. Nhờ Bệnh án điện tử, bác sỹ có thể chỉ định điều trị kịp thời, chính xác cho bệnh nhân; tiết kiệm 50% thời gian tra cứu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân bằng mã số trên hệ thống. Việc đưa Bệnh án điện tử vào hoạt động cũng giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Từ tiếp nhận thông tin đến chẩn đoán, kê đơn thuốc của bác sỹ đều được số hóa, cập nhật theo quy trình chuẩn, nhờ đó thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán cũng nhanh hơn trước. Theo đó, Bệnh viện đã rút gọn quy trình khám chữa bệnh từ 9 bước xuống 4 – 5 bước, giảm thời gian chờ đợi, giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tháng 7 năm 2016 bệnh viện đã đưa vào vận hành Hệ thống hội chẩn trực tuyến (Telemedicine) thuộc Dự án bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai. Vào chiều thứ 5 hàng tuần bệnh viện tiến hành hội chẩn trực tuyến các ca bệnh khó với các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trung ương và Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Bạch Mai. Hệ thống hội chẩn trực tuyến đi vào hoạt động góp phần xử lý kịp thời các ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp mà không kịp chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Hệ thống này cũng giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho bệnh viện thông qua các hoạt động tư vấn, chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa, hội thảo và đào tạo kỹ thuật y tế.

Từ tháng 4/2017 đến nay, bệnh viện đã triển khai ứng dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS tại bệnh viện. Việc triển khai hệ thống này đã giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi cho bệnh nhân; nâng cao hiệu quả chẩn đoán; tiết kiệm chi phí in phim cho bệnh viện từ 250-270 triệu/tháng; tiết kiệm không gian lưu trữ phim, giúp quản lý và lưu trữ bằng trạm điện tử... Tính đến nay bệnh viện đã thực hiện 17 ca hội chẩn với bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện TW Huế. Việc triển khai ứng dụng PACS được coi là bước đột phá của bệnh viện trong việc ứng dụng công nghệ số trong y tế. Đến nay đã có 63 trạm làm việc, gần 8 ngàn số ca đã kết nối, 17 ca hội chẩn. Triển khai ứng dụng hệ thống hội chẩn trực tuyến, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS sẽ giúp người bệnh điều trị tại Hà Tĩnh nhưng có được kết quả chẩn đoán do các giáo sư đầu ngành tại các bệnh viện Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chẩn đoán và điều trị người bệnh; giảm chi phí cho người bệnh trong quá trình điều trị. Bệnh viện đang nỗ lực trở thành trung tâm hỗ trợ chẩn đoán từ xa của tỉnh và thông qua PACS, bệnh viện tỉnh sẽ mở rộng liên kết và hợp tác với các bệnh viện tuyến trên để đem lại chất lượng chăm sóc tốt nhất cho người dân tỉnh nhà.
Đánh giá về những kết quả đạt được của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua, GS,TS Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao sự phát triển của bệnh viện, đặc biệt là sự nhanh nhạy đi đầu trong việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thứ trưởng khẳng định, so với 2 năm trước đây khi Bộ Y tế về khảo sát triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm của lãnh đạo bệnh viện trong việc đi tắt, đón đầu, ứng dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh. Việc triển khai bệnh án điện tử đã được bệnh viện thực hiện bài bản, hiệu quả. Đặc biệt việc triển khai PACS đã góp phần đưa bệnh viện thành một trong những đơn vị đi đầu trong khu vực và cả nước về ứng dụng CNTT trong nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh, góp phần giúp người dân Hà Tĩnh được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại quê nhà.
Thời gian tới Bệnh viện tiếp tục đi đầu ứng dụng CNTT trong KCB, xây dựng bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành trung tâm hỗ trợ chẩn đoán từ xa của tỉnh và thông qua PACS, bệnh viện tỉnh sẽ mở rộng liên kết và hợp tác với các bệnh viện tuyến trên trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Bệnh viện sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ nâng cấp giai đoạn 2 Hệ thống PACS với đầy đủ thiết bị, dung lượng đáp ứng lưu trữ hình ảnh trong vòng 10 năm; Bổ sung bảng 4, 5 file XML theo Quyết định 4210/QĐ-BYT của Bộ Y tế về quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Đưa vào sử dụng có hiệu quả modul bệnh án ngoại trú cho thận nhân tạo; bổ sung phân hệ phần mềm Chỉ đạo tuyến, đào tạo và nghiên cứu khoa học; Mua sắm bổ sung và thay thế các trang thiết bị CNTT... Bệnh viện đang nỗ lực từng bước xây dựng bệnh viện Đa khoa tỉnh theo mô hình y tế thông minh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh và người dân tỉnh nhà.
TTND, BSCKII Nguyễn Viết Đồng – PGĐ Sở Y tế, GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh