• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ người dân vùng thiên tai

Hà Tĩnh là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho người dân vùng bị thiên tai càng gian nan, vất vả. Nhân ngày Dân số thế giới (11/7) với chủ đề “Hỗ trợ CSSKSS, KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Đường Công Lự - Phó Giám đốc Sở Y tế - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ xung quanh vấn đề này.

Hà Tĩnh là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho người dân vùng bị thiên tai càng gian nan, vất vả. Nhân ngày Dân số thế giới (11/7) với chủ đề “Hỗ trợ CSSKSS, KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Đường Công Lự - Phó Giám đốc Sở Y tế - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ xung quanh vấn đề này.

- Ông có thể cho biết ảnh hưởng của thiên tai đối với công tác hỗ trợ CSSKSS/KHHGĐ cho người dân vùng dễ bị tổn thương trong thiên tai?

Đối với công tác DS/KHHGĐ, thiên tai cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện các hoạt động về CSSKSS, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và dân số. Khi môi trường sống bị ô nhiễm, sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng của người dân bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, sự thiếu thốn trong đời sống vật chất, sự tổn thương về tinh thần đã khiến họ không còn chú trọng đến vấn đề này.

Cán bộ dân số xã Sơn Hồng (Hương Sơn) đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ cho người dân.

Ảnh hưởng của thiên tai còn khiến việc thực hiện công tác DS/KHHGĐ như tuyên truyền, vận động, cung cấp các dịch vụ CSSKSS bị gián đoạn. Trên thực tế, những tai nạn đau lòng do thiên tai gây ra cũng đã khiến người dân nảy sinh tư tưởng “sinh con dự phòng”, sinh nhiều con. Đó cũng là lý do để mục tiêu giảm sinh, giảm sinh trên 2 con ở những vùng dễ bị tổn thương do thiên tai vẫn còn gặp nhiều khó khăn; chất lượng dân số ở những vùng này thường thấp hơn so với các nơi khác.

- Để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dễ bị tổn thương do thiên tai, thời gian qua, tỉnh và ngành dân số đã có những chính sách gì thưa ông?

Xác định dân số đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển, những năm qua, công tác DS/KHHGĐ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền Hà Tĩnh thường xuyên quan tâm; tập trung vào tất cả các nhóm đối tượng người dân. Mỗi nhóm đối tượng đều có một chính sách, chương trình hoạt động phù hợp. Tuy nhiên, với người dân các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai thì chúng tôi có những chính sách đặc biệt hơn.

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, với sự hỗ trợ của trung ương, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều chính sách, đề án, mô hình để góp phần nâng cao chất lượng dân số như: đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 triển khai tại 45 xã; mô hình thí điểm kiểm soát dân số vùng biên giới tại 8 xã; đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại 160 xã; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 25 xã…

Với nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng từ các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia… mỗi năm, ngành dân số tỉnh đã triển khai 2 đợt cao điểm để thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ với các nội dung: khám, sàng lọc, tư vấn, cấp thuốc điều trị miễn phí cho chị em phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh sản; đối với các bà mẹ mang thai ở những vùng này, được khám, siêu âm và cấp thuốc theo quy định…

Ngoài nguồn kinh phí của trung ương, các xã vùng khó khăn còn được hỗ trợ thêm kinh phí từ nguồn của tỉnh trong việc tuyên truyền, vận động các đối tượng thực hiện biện pháp tránh thai đặt vòng và triệt sản. Đối với các hoạt động thường xuyên, các xã vùng biên, miền núi, ven biển, vùng khó khăn được đầu tư nhiều hơn về công tác tuyên truyền, vận động và dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.

Điều đáng mừng là sự ra đời của Nghị quyết 78 của HĐND tỉnh trong thời gian qua đã thực sự tạo nên luồng gió mới, cơ hội mới góp phần làm chuyển biến công tác dân số nói chung và những vùng đặc biệt khó khăn nói riêng.

Thời gian tới, ngành dân số tiếp tục tập trung nâng cao năng lực chuẩn bị ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo cung cấp kịp thời, hiệu quả dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy khác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác DS/KHHGĐ. Trong đó, chú trọng tuyên truyền giáo dục để người dân thay đổi quan niệm sinh đông con, tư tưởng trọng nam, khinh nữ.

Tăng cường vận động thực hiện các biện pháp KHHGĐ, gắn với việc mở rộng và nâng cao hiệu quả cung cấp các dịch vụ CSSKSS, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng và các bệnh xã hội; thực hiện có hiệu quả hình thức tư vấn cá nhân và tư vấn cộng đồng về DS/KHHGĐ. Đồng thời, triển khai các hoạt động trọng tâm các đối tượng tại 45 xã ven biển thuộc đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển và mô hình thí điểm kiểm soát dân số ở khu vực biên giới nhằm nâng cao nhận thức; đáp ứng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số.

- Xin cảm ơn ông!

Đoàn Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.621
Tháng 10 : 105.984
Năm 2024 : 2.480.306
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.278.820