• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đảm bảo an toàn cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Sau sự cố chạy thận nhân tạo tại tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện triển khai đơn vị chạy thận nhân tạo trong tỉnh tuyệt đối tuân thủ đầy đủ và đúng quy trình kỹ thuật khi thực hiện điều trị cho người bệnh. Hiện toàn tỉnh có 3 đơn vị chạy thận nhân tạo, đó là BVĐK tỉnh, BVĐK huyện Kỳ Anh và BVĐK huyện Đức Thọ.

Sau sự cố chạy thận nhân tạo tại tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện triển khai đơn vị chạy thận nhân tạo trong tỉnh tuyệt đối tuân thủ đầy đủ và đúng quy trình kỹ thuật khi thực hiện điều trị cho người bệnh. Hiện toàn tỉnh có 3 đơn vị chạy thận nhân tạo, đó là BVĐK tỉnh, BVĐK huyện Kỳ Anh và BVĐK huyện Đức Thọ.

Được chạy thận nhân tạo gần nhà đỡ cho chúng tôi…

Sau sự cố chạy thận nhân tạo tại BVĐK Hòa Bình, dư luận quan tâm, lo lắng cho nhóm bệnh nhân này. Tuy nhiên, điều rất lạ là đối với tất cả các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Hà Tĩnh mà tôi gặp đều cho rằng họ không có gì lo lắng.

Không chỉ tuân thủ quy trình, phòng chạy thận nhân tạo luôn đảm bảo các điều kiện sạch sẽ
và mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông cho bệnh nhân

Bệnh nhân Trương Xuân Hòa, ở xã Thạch Châu (Lộc Hà) cho biết: “Chúng tôi “sống chung với lũ” quen rồi, chạy bao nhiêu năm rồi có vấn đề gì đâu mà sợ. Mà cho dù có chuyện gì chúng tôi cũng bám BVĐK Hà Tĩnh để chạy, gần nhà, đi lại đỡ sức, với lại đi xa thì lấy tiền đâu mà đi”...

Bệnh nhân Nguyễn Thị Bích, ở xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Chị chạy thận nhân tạo ở BVĐK tỉnh đã 5 năm rồi. Riêng năm đầu tiên mới chạy có mệt nhưng những năm sau này thì giữ được ổn định. Tuần chị chạy 3 buổi. Chị dạy mầm non, ngoài các buổi phải đi chạy, còn lại chị vẫn đi làm bình thường. Chạy ở đây chị cảm thấy rất yên tâm. Phòng sạch, mát; nhân viên tận tình, chu đáo, họ không dám lơ là đâu. Với lại, chạy bao nhiêu năm rồi nhưng không có vấn đề gì, dù là sự cố nhỏ”.

Không chỉ bệnh nhân yên tâm mà người nhà bệnh nhân cũng rất yên tâm. Bà Võ Thị Hòa, ở khối phố 4, phường Tân Giang (thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Ông nhà tôi chạy thận ở đây đã 4 năm rồi. Cả một quá trình gắn bó chúng tôi thấy hoàn toàn tin tưởng. Mọi thứ ở đây đều do nhân viên y tế làm theo quy trình. Như nhà tôi, vì ông bị mù hai mắt nên họ cho phép một người nhà vào chăm sóc. Còn lại, không phận sự miễn vào. Ở đây, quy trình là tuyệt đối”.

Đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, từ khi có chỉ định chạy thận thì gần như đó chính là “bản án” gắn họ với định kỳ lọc máu cho đến cuối đời. Đa số bệnh nhân đều cảm thấy mệt mỏi và bị nghèo hóa một cách nhanh chóng. Vì vậy, được chạy thận nhân tạo tại cơ sở gần nhà là niềm vui lớn nhất đối với họ. Cũng bởi lý do đó nên ngành Y tế Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực nâng số máy và mở thêm các đơn vị chạy thận nhân tạo về các huyện, tạo điều kiện cho bệnh nhân được chạy thận nhân tạo gần nhà. Hiện phòng chạy thận nhân tạo BVĐK tỉnh đã có 45 máy, đơn vị chạy thận nhân tạo BVĐK Kỳ Anh và BVĐK huyện Đức Thọ có 10 máy, phục vụ gần 400 bệnh nhân chạy thận trong toàn tỉnh.

Tuyệt đối tuân thủ quy trình kỹ thuật

Bệnh nhân tin tưởng, còn các bệnh viện, đơn vị chạy thận nhân tạo thì luôn chăm lo đảm bảo các điều kiện điều trị và cấp cứu bệnh nhân.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thắm – phòng chạy thận nhân tạo BVĐK tỉnh cho biết: 6h sáng hàng ngày là chúng tôi đã có mặt tại phòng để chuẩn bị các điều kiện và bật máy. Phòng có 10 nhân viên chuyên phục vụ bệnh nhân chạy thận, chia thành 2 kíp. 6h30 là bắt đầu chạy cho bệnh nhân. Bệnh nhân xa chạy trước, bệnh nhân gần chạy sau, sự ưu tiên này đã trở thành thói quen của cả nhân viên y tế và cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Bệnh nhân ở đây có đặc điểm là chạy lâu năm nên họ rất thông thạo quy trình. Đây cũng là nguyên tắc “bất di bất dịch” mà nhân viên y tế phải tuân thủ.

Phòng chạy thận nhân tạo BVĐK tỉnh có 3 hệ thống nước RO, luôn dự phòng đảm bảo các
điều kiện khi có sự cố về hệ thống nước lọc

Triển khai chạy thận từ năm 1995, ban đầu với 5 máy nhưng đến nay BVĐK tỉnh đã có 45 máy chạy thận nhân tạo phục vụ 300 bệnh nhân chạy thận thường xuyên. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hoàng Quang Trung cho biết: Máy chạy thận của bệnh viện đều từ nguồn tài trợ của Quỹ Thiện tâm thuộc tập đoàn Vincom, tập đoàn dầu khí và từ dự án JBIC. Máy có xuất xứ từ Đức, chất lượng tốt. Về hệ thống nước, từ khi sang cơ sở mới đã được làm mới toàn bộ, gồm 3 hệ thống RO, đảm bảo dự phòng khi có sự cố. Quả lọc cũng được rửa bằng máy… Phòng chạy thận là một đơn nguyên nhưng trực thuốc khoa Cấp cứu chống độc để đảm bảo mọi điều kiện cấp cứu khi có sự cố với bệnh nhân. Sau khi có sự cố ở Hòa Bình, Bệnh viện đã tiến hành kiểm tra quy trình. Tuy nhiên, đây là việc làm thường xuyên của bệnh viện.

Không chỉ BVĐK tỉnh mà cả các đơn vị mới triển khai chạy nhân tạo cũng đều tự tin với kỷ thuật này. Bác sỹ Thái Phong Vũ – Phó Giám đốc BVĐK thị xã Kỳ Anh cho biết: Trước khi triển khai đơn vị chạy thận nhân tạo, các hệ thống đã được kiểm nghiệm rất chặt chẻ. Về nhân lực, bệnh viện đào tạo đội ngũ chuyên biệt. Hơn nữa, khi triển khai, nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp giúp đỡ tại bệnh viện cho đến khi cán bộ thuần thục thì họ mới rút về. Tuy nhiên, vì mới triển khai (từ tháng 2/2017) nên đơn vị chưa tiếp nhận các bệnh nhân mới (chưa chạy lần nào) mà chỉ tiếp nhận bệnh nh đã chạy thận trước đó. Đơn vị chạy thận nhân tạo được bố trí trong khoa Hồi sức cấp cứu, đảm bảo các điều kiện cấp cứu  cho bệnh nhân khi cần thiết. Hiện BVĐK Kỳ Anh chạy 10 bệnh nhân/ngày. Nhìn chung, bệnh nhân và người nhà rất hài lòng.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu: Đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, ngành Y tế luôn có sự quan tâm đặc biệt. Từ đầu năm đến nay, ngành đã triển khai thêm 2 đơn vị ở tuyến huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bệnh nhân khi được chạy thận ở gần nhà. Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện trên cơ sở quy trình kỹ thuật đã được phê duyệt của Bộ Y tế và bệnh viện đầu ngành, xây dựng và ban hành các quy trình kỹ thuật chạy thận nhân tạo, lọc máu cho phù hợp với thực tế của từng bệnh viện; tuyệt đối tuân thủ đầy đủ và đúng quy trình kỹ thuật khi thực hiện điều trị cho người bệnh; xây dựng phương án cấp cứu, phối hợp với các bệnh viện khi có sự cố y khoa trong chạy thận nhân tạo; tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên thực hiện kỹ thuật.

Về phía Sở, sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình về chạy thận nhân tạo, lọc máu cho người bệnh, đặc biệt giám sát chặt chẽ việc bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, máy móc, kiểm tra chất lượng nguồn nước lọc, hóa chất, thuốc… nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật cho người bệnh chạy thận nhân tạo.

Biện Nhung


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.515
Tháng 07 : 18.830
Năm 2025 : 1.150.817
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 12.978.101