Câu chuyện của những “chiến sỹ áo trắng” chống “giặc” Covid - 19
Ai cũng gọi họ là những “chiến sỹ áo trắng”, bởi vì trong trận chiến chống “giặc” Covid - 19, họ sẵn sàng chiến đấu quyết liệt, giám hy sinh niềm vui riêng để giữ sự an toàn chung của đất nước, đó chính là những cán bộ y tế tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Vì chống dịch mẹ phải xa con!
Khoa Truyền nhiễm có 13 cán bộ, trong đó 4 bác sỹ, 8 điều dưỡng và 1 hộ lý. Hầu hết cán bộ ở đây đều bố, mẹ già, con nhỏ và có chị đã mất chồng! Cuộc sống của họ thật nhiều khó khăn, vất vả, nhưng vì nhiệm vụ họ đã hy sinh niềm vui riêng để ở lại tại khoa chăm sóc bệnh nhân.
Điều dưỡng Tô Phạm Khánh Chi trải lòng: “Em có con dưới 3 tuổi, đã hơn một tuần em phải ở lại khoa để chăm sóc bệnh nhân. Chồng em là công an nên cũng phải trực dịch. Hơn tuần nay cháu ở cùng ông bà. Mai là ngày sinh nhật con tròn 3 tuổi, nhớ con lắm, thương con lắm nhưng phải gác lại, chỉ để dốc hết sức cho cuộc chiến chống dịch”.
Với điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Thủy, chồng mất khi con còn nhỏ, một mình chị chăm sóc 2 đứa con. Thời gian chị trực dịch, các con phải tự lo toan việc nhà.
Cùng đồng nghiệp gác lại việc gia đình ở lại tại khoa chăm sóc bệnh nhân. Công việc hằng ngày của các chị là trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân tại phòng cách ly, phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt 3 đến 4 giờ khiến cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng bí bách, khó chịu. Trong suốt ca làm việc, mồ hôi các chị ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang lún sâu, nước cũng không được uống…
“Nhiều lúc công việc khiến Chị thấm mệt, không ăn được cơm, nhưng phải cố ăn chút cháo để cầm cự, vì nếu Chị mà nghỉ thì tội các chị em khác phải thay chị làm việc nên vất vả hơn. Các chị em luôn động viên nhau để cùng chống dịch”, điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Thủy chia sẻ.
Chưa phút nào thảnh thơi.
Từ khi bắt đầu mùa dịch cả 13 cán bộ đều trực thường trú, sẵn sàng có mặt tại khoa bất cứ thời điểm nào, hơn một tuần nay họ đã đăng ký tình nguyện ở lại tại khoa để chăm sóc, điều trị bệnh nhân, vì thời điểm này luôn có bệnh nhân nghi nhiễm Covid - 19 mới vào điều trị. Công việc hằng ngày của các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở đây là thăm khám, đánh giá toàn trạng của bệnh nhân, các dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng, tiêm, chuyền, hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ điều trị, cách ly... Không những chăm sóc về chuyên môn, theo dõi sức khỏe thì mỗi cán bộ nơi đây hằng ngày phải chăm lo dinh dưỡng cho các bệnh nhân. Hầu hết các y, bác sĩ thuộc lòng cả vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân trong phòng cách ly.
Chị N.T.H. Thành phố Hà Tĩnh là một trong những bệnh nhân nghi nhiễm được cách ly tại khoa Truyền nhiễm bọc bạch: “Khi mới vào tôi có các triệu chứng ho nhiều, mệt mỏi, thỉnh thoảng khó thở. Tôi rất lo lắng sợ bị Codid - 19. Nhưng vào đây được các y, bác sỹ động viên nên tôi yên tâm. Sau khi được các bác sỹ báo tin có kết quả âm tính tôi rất mừng, nhưng phải ở lại để theo dõi, điều trị. Ở đây tôi thấy rất thoải mái, được cán bộ chăm sóc tận tình, phục vụ các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Phòng ở, phòng vệ sinh sạch sẽ, có nóng lạnh, nước uống đầy đủ.”
Dốc toàn lực “vào trận”
Khoa Truyền nhiễm bắt đầu nhận bệnh nhân nghi nhiễm Covid - 19 từ ngày 29/1/2020. Lũy tích đến ngày 29/3/2020 khoa đã điều trị cho 27 bệnh nhân, trong đó 26 bệnh nhân âm tính, 01 bệnh nhân đang chờ kết quả xét nghiệm. Có 19 bệnh nhân sức khỏe ổn định được các bác sỹ cho ra viện, 08 bệnh nhân đang tiếp tục ở lại khoa theo dõi, điều trị.
“Xác định cuộc chiến còn dài, phía trước còn nhiều chông gai, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, từ những ca nghi ngờ đầu tiên vào khám điều trị, chúng tôi luôn tuân thủ các hướng dẩn của Bộ Y tế, ban chỉ đạo tỉnh đề ra. Luôn cảnh giác cao độ với mọi tình huống, và quyết tâm cao trong việc chăm sóc điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây chéo trong bệnh viện và quyết tâm không để nhân viên y tế lây nhiễm bệnh trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân.” Bác sỹ Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa tỉnh bộc bạch.
Bác sỹ Hoàng Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Cán bộ, nhân viên khoa Truyền nhiễm là những người hăng hái, tiên phong đi đầu trong công tác phòng chống dịch.Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, xác định được nhiệm vụ của mỗi cán bộ làm tại khoa, để xung kích trong trận chiến chống dịch”.
“Cuộc chiến này chúng tôi không cô đơn vì có những sự động viên, khích lệ của gia đình, đồng nghiệp. Chúng tôi tự hào vì đang được góp công sức vào công tác phòng chống đẩy lùi dịch Covid -19. ”Bác sỹ Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa tỉnh chia sẻ thêm.
Thật tự hào và cảm ơn những “Chiến sỹ áo trắng” nói chung trên cả nước, đặc biệt là tại Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa tỉnh đang âm thầm, lặng lẽ cống hiến trình độ, công sức thực hiện nhiệm vụ cao cả chữa bệnh, cứu người trong “trận chiến” chống “giặc” Covid - 19 cho nhân dân được yên bình.
Thanh Loan