• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bệnh viện Phục hồi chức năng triển khai hiệu quả kỹ thuật tập nuốt cho bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não

Theo thống kê, có từ 30% đến 67% người bệnh sau tai biến mạch máu não vào điều trị tại bệnh viện Phục hồi chức năng(PHCN) tỉnh bị rối loạn nuốt (RLN). Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh đã triển khai và thực hiện thành công kỹ thuật tập nuốt cho bệnh nhân RLN, đem đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người bệnh.

Kỹ thuật viên hướng dẫn bệnh nhân Phạm Thị Mạo tập vận động

 

Bệnh nhân Phạm Thị Mạo, 86 tuổi, ở Thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc vào viện trong tình trạng không nuốt được nước bọt, phải ăn uống hoàn toàn qua sonde dạ dày. Sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện phục hồi chức năng, bệnh nhân đã ăn, uống được đường miệng và được rút bỏ sonde dạ dày. Chị Trần Thị Loan, người nhà bệnh nhân Phạm Thị Mạo phấn khởi: “Sau tai biến nhồi máu não, mẹ tôi hoàn toàn không nuốt được nước bọt, gia đình rất lo. Sau khi đến đây điều trị tôi thấy phục hồi nhanh, hiện mẹ đã ăn, uống bình thường. Gia đình chúng tôi cảm ơn đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện nhiều lắm”.

Còn bệnh nhân Đào Đức Minh, 82 tuổi, ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn vào viện trong tình trạng uống nước bị sặc, ăn bị nghẹn. Sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện Phục hồi chức năng, bệnh nhân đã ăn, uống bình thường. Bệnh nhân Đào Đức Minh bộc bạch: “Tôi bị di chứng RLN sau tai biến, ăn uống đều khó khăn, đến đây nhờ các bác sỹ tận tình điều trị, nay sức khỏe phục hồi, ăn uống bình thường”.Theo Bác sỹ CKI Phạm Thị Phương, Phó Giám đốc bệnh viện PHCN tỉnh: RLN hoặc khó nuốt là một cảm giác “mắc kẹt” làm tắc nghẽn đường đi của thức ăn qua miệng, họng, thực quản tới dạ dày. Một trong những nguyên nhân của RLN là di chứng sau tai biến mạch máu não. Ngoài việc làm người bệnh khó khăn khi nuốt các chất, không chỉ thức ăn, thức uống mà còn cả khi nuốt nước bọt, RLN còn gây cho bệnh nhân mất nước, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng miễn dịch… Ngoài ra, RLN có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như hít sặc, viêm phổi, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.

và hướng dẫn bệnh nhân Đào Đức Minh tập nuốt bằng máy điện sung kích thích

 

Ngoài bệnh nhân tai biến mạch não (đột quỵ não), RLN có thể gặp ở những người chấn thương sọ não, Parkinson, xơ cứng rải rác, u não, bại não, bệnh sa sút trí tuệ, bệnh Huntington, bệnh Nơron vận động trên, bại liệt, Gullian Barré, sau phẫu thuật (vùng đầu mặt cổ, lồng ngực), bệnh nhân mở khí quản, sau đặt ống nội khí quản, tác phụ thuốc, sau xạ trị, bệnh COPD, bệnh suy tim xung huyết CCF, viêm màng não… Vì vậy, việc phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng RLN là điều hết sức quan trọng, giúp người bệnh trở lại ăn, uống đường miệng, cũng như phòng tránh các biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để triển khai điều trị cho bệnh nhân RLN, Bệnh viện PHCN tỉnh đã cử 01 bác sỹ lên tuyến trên đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng và 01 kỹ thuật viên đào tạo về âm ngữ trị liệu. Song song với việc đào tạo chuyên môn, bệnh viện còn đầu tư máy Điện sung kích thích và một số trang thiết bị phục vụ cho bệnh nhân bị RLN. Sau hơn 1 tháng triển khai kỹ thuật tập nuốt cho bệnh nhân RLN, bệnh viện đã điều trị thành công cho hàng chục bệnh nhân, hầu hết bệnh nhân sau 7 đến 10 ngày điều trị đã ăn, uống đường miệng bình thường.

Niềm vui của bệnh nhân khi được ăn, uống bằng miệng

 

Bác sỹ CKI Phạm Thị Phương cho biết thêm: Sau khám, lượng giá, phát hiện bệnh nhân RLN thì các bác sỹ tiến hành can thiệp để phục hồi nhanh chóng cho bệnh nhân, với các bài tập đòi hỏi kỹ thuật viên phải kiên trì, cẩn thận, tỷ mỹ như: giúp bệnh nhân vệ sinh răng miệng; hướng dẫn bệnh nhân tập nuốt gián tiếp và tập nuốt trực tiếp; dùng máy Điện sung kích thích để tập nuốt cho bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân được cải thiện nuốt thì kỹ thuật viên sử dụng kết cấu đồ uống và thức ăn được phân loại để tập luyện ăn uống bằng miệng cho bệnh nhân.

Ngoài kỹ thuật tập nuốt cho bệnh nhân RLN, thời gian qua, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ bệnh viện PHCN tỉnh đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật ngang tầm bệnh viện tuyến trung ương như: kỹ thuật can thiệp rối loạn tiết niệu, táo bón, làm nẹp chỉnh hình… giúp hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh sau quá trình bị bệnh kéo dài./.

Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.614
Tháng 03 : 179.709
Năm 2024 : 481.779
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.280.293