• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bệnh bạch hầu lây như thế nào?

Bệnh bạch hầu có khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch. Bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Đường lây của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh có khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. 

Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, trung bình từ 5 - 10 % trên tổng số ca bệnh.

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Đây là hình thức lây bệnh phổ biến, ngoài ra vi khuẩn bạch hầu cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. 

Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác thông qua các hình thức nói trên.

Bệnh bạch hầu lây như thế nào?- Ảnh 1.

Bên trong cổ họng và amidan người bệnh bạch hầu xuất hiện màng giả có màu trắng ngà.

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Người sinh sống ở khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo, bất kỳ ai đi du lịch đến nơi đang có dịch bạch hầu...

Biểu hiện của bệnh bạch hầu

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, ban đầu người nhiễm bệnh sẽ bị sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng nhẹ, ho. Bệnh diễn biến tiến triển nhanh khiến bệnh nhân khó thở, đau họng tăng dẫn tới chán ăn, sổ mũi, hơi thở hôi.

Khi bệnh trở nặng, bên trong cổ họng và amidan người bệnh xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Lớp màu trắng mọc thành từng mảng lớn, dai và dính, khi bóc màng ra gây chảy máu, khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan.

Bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, trường hợp nặng có thể gây tử vong do đột ngột trụy tim mạch.

Các thể bệnh bạch hầu

Bạch hầu thể họng thông thường

Thời kỳ nung bệnh 2-5 ngày (không có triệu chứng lâm sàng). Sau đó là thời kỳ khởi phát với triệu chứng sổ mũi, niêm mạc họng đỏ, kém sáng hơn. Xuất hiện những chấm trắng mờ và mỏng, hạch dưới hàm sưng to và đau. 

2-3 ngày sau là thời kỳ toàn phát, trẻ cảm thấy khó nuốt, nuốt vướng, đau cổ họng, người mệt mỏi xanh xao. 

Trong họng xuất hiện màng trắng ngà, dính chặt vào lớp thượng bì bên dưới, khi bong tróc rất dễ chảy máu. Màng giả này lan tràn rất nhanh ở 1 hoặc 2 bên amidan. 

Bệnh nhân sốt khoảng từ 38 đến 38,5 độ C và ở tình trạng nhiễm độc, da xanh tái, mạch nhanh, huyết áp hạ.

Bạch hầu ác tính

Thể tiên phát xuất hiện ngày đầu hoặc ngày thứ 2 của bệnh, với những dấu hiệu đột ngột như sốt cao (39-40 độ C) mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên amidan, hơi thở hôi, hạch cổ sưng to, cổ bạnh ra. 

Bệnh nhân dần dần bị mệt lả, tím tái, sốt cao, xuất huyết nhiều nơi, khi uống nước sẽ bị sộc ra mũi, huyết áp hạ, mạch nhanh. Bệnh nhân có thể bị tử vong.

Bạch hầu thanh quản

Phần lớn do bạch hầu họng thể thông thường không được điều trị kịp thời gây ra. Ở thể này, màng giả lan xuống tận thanh quản.

Bạch hầu mũi

Bệnh bạch hầu lây như thế nào?- Ảnh 2.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu người bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bạch hầu mũi rất hiếm gặp. Ngoài các triệu chứng sốt nhẹ, da xanh, ăn hay bị nôn, bệnh nhân còn bị lở trong lỗ mũi và cánh mũi.

Bệnh bạch hầu nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng trong đó có thể gặp viêm cơ tim. Đây là biến chứng thường gặp nhất, do ngoại độc tố bạch hầu gây ra. Viêm cơ tim có thể xuất hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 của bệnh, nhưng cũng có thể muộn hơn, từ 15 đến 40 ngày. Ngoài ra có thể có những biến chứng về tim mạch khác.

Biến chứng thần kinh thường xảy ra sau vài tuần. Xuất hiện triệu chứng lác mắt, liệt cơ hoành, liệt một hoặc nhiều chi, đa viêm thần kinh ngoại biên...

Phòng bệnh bạch hầu

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  • Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

  • Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

  • Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.297
Tháng 01 : 23.140
Năm 2025 : 23.140
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 11.850.424