Phương pháp mới phát hiện nhanh mầm bệnh lao
Nghiên cứu mới của ĐH Zurich, Thuỵ Sĩ đã tìm ra một phương pháp dựa trên phân tử mới có thể phát hiện được các mầm bệnh Mycobacterium gây bệnh lao nhanh hơn nhiều so với các kỹ thuật dựa trên nuôi cấy đòi hỏi vài tuần.
Mycobacterium tuberculosis là một tác nhân gây bệnh lao - căn bệnh ảnh hưởng chủ yếu lên phổi và là nguyên nhân gây ra khoảng gần 1,5 triệu ca tử vong trên thế giới năm 2014.
Nhóm khoa học đã nghiên cứu hơn 6.800 bệnh nhân để kiểm tra phương pháp dựa trên phân tử trong việc phát hiện mầm bệnh Mycobacterium. Họ phát triển một thuật toán để phát hiện Mycobacterium trực tiếp từ mẫu bệnh phẩm ử dụng phân tích gien. Vì nhiều Mycobacterium phát triển với một tốc độ rất chậm, các xét nghiệm dựa trên nuôi cấy vi khuẩn rất tốn thời gian và phải mất vài tuần để hoàn thành. Xét nghiệm độ nhạy tiếp theo để xác định thuốc điều trị thích hợp cũng cần 1-2 tuần.
Những phát hiện này chỉ ra rằng sử dụng phương pháp phát hiện phân tử, phần lớn bệnh nhân chỉ sau 1-2 ngày đã biết họ có bị nhiễm mầm bệnh lao hoặc Mycobacterium không gây bệnh lao mà có thể gây nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng hạch bạch huyết và các bệnh da ở bệnh nhân có hệ miễn dịch bị tổn hại hay không. Các phương pháp dựa trên vi khuẩn mới cho thấy có độ chính xác tương đương với các kỹ thuật dựa trên nuôi cấy dài ngày. Ngoài ra, phân tích phân tử lần đầu tiên có thể phát hiện các Mycobacterium không gây bệnh lao trực tiếp từ mẫu bệnh nhân trong vòng vài giờ. Điều này có nghĩa là các biện pháp điều trị thích hợp có thể được bắt đầu sớm hơn. Nếu bệnh nhân bị nhiễm lao, một xét nghiệm phân tử tiếp tục được thực hiện để kiểm tra độ nhạy với các thuốc điều trị lao chính rifampicin và isoniazid. Điều này cũng chỉ ra rằng phương pháp dựa trên phân tử dự đoán một cách chính xác các kết quả đề kháng trên nuôi cấy.
Theo: Báo SKĐS